419
category
374054

Việt Nam chọn thái độ nào?

Sarah 17/03/2020 18:42

Dịch bệnh là điều bất khả kháng mà không một cá nhân, tổ chức nào có thể kiểm soát được nó. Một khi xảy ra, người ta chỉ có thể hoặc cùng nhau hợp sức chia sẻ hoặc “dẫm lên nhau mà sống”. Việt Nam chọn thái độ nào?

Cả hai mặt của vấn đề đều đã thể hiện rõ nét trong đời sống xã hội nước ta thời dịch Covid – 19 này. Cụ thể trong khía cạnh kinh doanh.

Mặt “ dẫm lên nhau mà sống” có thể lấy ví dụ rõ nhất trong vụ kinh doanh khẩu trang. Hồi dịch mới chớm tin có mặt ở Việt Nam từ ngày 23/1 trở đi, thị trường mua bán khẩu trang thực sự “ nóng sốt” theo nghĩa đen. Nhà nhà người người vào cuộc kinh doanh mua bán. Đặc biệt các hiệu thuốc lớn nhỏ ở các trung tâm thành phố lớn, đua nhau tăng giá khẩu trang gấp 5-6 lần thậm chí 10 lần. Gía trước dịch trung bình 15 – 25 nghìn/ hộp khẩu trang 50 chiếc nhưng khi dịch đến giá leo thang đến 500.000/ hộp. Sự kiện đã khiến chính phủ phải vào cuộc bằng các chế tài phạt hành chính hoặc cho đóng cửa bất cứ cơ sở kinh doanh nào cố tình tăng giá quá mức khẩu trang mùa dịch.

Tăng giá khẩu trang mùa đại dịch có nên chăng?

Dịch bùng phát giai đoạn 2 (6/3/2020) giá khẩu trang dịu đi thì giá mỳ tôm, giá thịt lợn, gạo các kiểu tăng giá cũng cấp số nhân. Điều này buộc chính phủ lại vào cuộc bằng chế tài buộc các gian thương hạ giá thịt lợn, trấn an bằng các chính sách hỗ trợ lương thực miễn phí cho vùng hay khu vực nào bị phong tỏa mùa dịch.

Qủa thực, hành vi “dẫm lên nhau mà sống” là hành vi đáng phê phán trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, nhất là thời “ chống dịch như chống giặc” này. Rất may, chính phủ đã kiên quyết hành động để trấn áp các hành vi vụ lợi trên.

Mặt “ cùng nhau hợp sức, cùng nhau chia sẻ” có thể lấy lại ví dụ trong các trường hợp trên như. Phong trào chung tay vì cộng đồng nở rộ từ những công dân nhỏ tuổi như cô bé Nguyễn Ngọc Trinh lớp 4 (Từ Liêm, Hà Nội) đã bỏ hết số tiền mừng tuổi có được là 3.180.000 để mua khẩu trang và nước rửa tay phát cho người dân Thủ đô đến những công ty xí nghiệp cũng tham gia phát hàng nghìn khẩu trang miễn phí khắp các địa phương trong cả nước hay tài trợ các dự án chống dịch của chính phủ.

Tập đoàn TH đã trao tặng 1 triệu ly sữa (khoảng 8 tỷ đồng) cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ những người đang bị cách ly, theo dõi vì dịch Covid-19; Quỹ Đổi mới sáng tạo và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (thuộc Vingroup) đã tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch bệnh do Covid-19 gây ra số tiền khoảng 20 tỷ đồng; Tập đoàn FLC cũng tặng 5 tỷ đồng hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng tặng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh 200.000 khẩu trang chống dịch; Grab Việt Nam đã tặng 100.000 khẩu trang y tế cho Bộ Y tế để gửi tặng 33 trung tâm y tế thuộc 7 tỉnh biên giới, gồm Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai và Quảng Ninh….

Toyota chung tay chống dịch Covid với Vĩnh Phúc

Đó là các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ như trường hợp quản lý chuỗi khách sạn ở Hà Nội bật khóc cho nhân viên nghỉ việc, chia sẻ tiền lương giữa nhân viên và ông chủ như nhau; chủ nhà hàng ăn uống ở thành phố Hồ Chí Minh được chủ cho thuê nhà miễn phí gần 200 triệu tiền thuê trong 3 tháng, hỗ trợ giảm tiếp tiền nhà trong 1 năm…..

Người dân chung tay giải cứu thanh long, giải cứu dưa hấu, giải cứu tôm hùm….mùa Covid – 19 không xuất khẩu được cùng nông dân các tỉnh.

Hành vi đẹp luôn lan tỏa và cho đến ngày nay còn tiếp diễn phong trào. Mới nhất có thể kể về các hành động chia sẻ của những người nổi tiếng như ca sĩ Hà Anh Tuấn, diễn viên Chi Pu, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, ca sĩ Thủy Tiên…đóng góp hàng tỷ đồng để tham gia mua, lắp đặt các thiết bị y tế giúp phòng và chữa bệnh Covid, và giúp đồng bào Nam Bộ vượt qua hạn mặn thật vô cùng khích lệ.

Rốt lại, bỏ qua mặt tiêu cực ở trên, bỏ qua cả những nhận định, các báo cáo về tình trạng sa sút đạo đức con người Việt của quá khứ. Nhìn vào mặt tích cực trong thời buổi khó khăn của đất nước ngày nay, chúng ta vẫn thấy những truyền thống quý báu như “ lá lành đùm lá rách” hay “ một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” của dân tộc ta cứ luôn phát lộ, thật không gì hạnh phúc bằng.
Cơn đại dịch có thể là một viên thuốc đắng chữa cho tâm hồn con dân Việt nói riêng và nhân loại nói chung.

Nói vậy, hạn mặn hay dịch Covid -19 sẽ kết thúc bao giờ hay khi nào , chúng ta không bao giờ biết nhưng Việt Nam chúng ta cứ thế mà tiến cách kiên quyết và đồng lòng hay buông xuôi. Tất cả đều phụ thuộc vào thái độ của cả khối 54 dân tộc thống nhất, cụ thể là của mỗi công dân sống trong lãnh thổ này. Trong đó đầu tàu là chính phủ đã có lập trường. Đại nạn hóa phước lành chăng?

Sarah

Tags :
Đọc nhiều