130115
topics
384348

Việt Nam đã tung gói “giãn cách xã hội” linh hoạt

Đặng Trường 15/04/2020 11:48

Sau khi lắng nghe ý kiến Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương trên cơ sở các phân tích dịch tễ học, khả năng ứng phó với dịch bệnh…

Đúng như vậy, với việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng là rất quyết liệt trong chống dịch, đã thực hiện sớm và rất phù hợp. Việt Nam đã áp dụng giãn cách xã hội đúng thời điểm, không bỏ lỡ giai đoạn vàng. Giãn cách xã hội đem lại những hiệu quả về y tế, sau đó về xã hội. Và một trong những yếu tố khiến thời gian qua chúng ta chống dịch tốt là nhờ niềm tin của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp của Chính phủ.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ quyết định tiếp các biện pháp khi đến hạn ngày 15/4.

Bên cạnh đó, phải thừa nhận một điều rằng, tất cả các cơ quan, ban ngành, lãnh đạo đang cố gắng hết sức để cùng nhân dân đẩy lùi, chiến thắng dịch Covid-19. Việt Nam cũng chấp nhận thiệt hại về kinh tế, nhưng bảo đảm được an toàn tính mạng cho nhân dân. Người nghèo và 7 nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đã được Chính phủ hỗ trợ gói 62.000 tỷ, bước đầu bảo đảm nhu cầu tối thiểu. Cây “ATM gạo” đã xuất hiện để cứu đói người nghèo,… Tất cả những gì trong khả năng, Nhà nước đã và đang làm hết để giúp người dân “dễ thở” hơn trong thời gian giãn cách xã hội.

Hiện nay, những nguy cơ tiềm ẩn trong xã hội vẫn rất cao, đơn cử như bệnh nhân số 22 đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện nhưng sau đó, trường hợp này lại dương tính trở lại với Covid-19. Vì thế, nếu chủ quan thì có thể cả nước sẽ phải trả giá rất đắt. Vẫn biết rằng tiếp tục giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, nhiều người lao động sẽ rất khó khăn, miếng cơm, manh áo của đồng bào sẽ bị ảnh hưởng…Tuy nhiên, nhìn tình hình dịch bệnh lây lan rất nhanh trên thế giới và diễn biến dịch trong nước vẫn đang phức tạp, khó lường thì việc tiếp tục giãn cách xã hội là điều rất cần thiết.

Lực lượng chức năng thực hiện phong tỏa, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.

Mạng người là quan trọng hơn tất cả, hết dịch bệnh nước ta sẽ cố gắng lao động, sản xuất để bù đắp những ngày gian khó. Nếu Thủ tướng quyết định phải giãn cách xã hội đến hết 30/4 thì có lẽ cũng không có ai bị chết đói nhưng nếu để vỡ trận thì chắc chắn sẽ rất đoán trước được hậu quả. Mỹ và nhưng nước tiên tiến trên thế giới cũng đã phải chấp nhận tiễn đưa hàng chục ngàn người xấu số. Việt Nam ta sẽ như thế nào nếu vì sự chủ quan khinh “giặc Covid-19” mà để số người nhiễm bệnh lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người. Nếu phải giãn cách thêm nửa tháng để chống dịch triệt để thì cũng là chuyện phải làm . Tuy nhiên, Việt Nam cần có phương án giãn cách linh hoạt, thấu đáo. Hiện tại, Chỉ thị 16 của Thủ tướng yêu cầu tỉnh cách ly với tỉnh, huyện cách ly với huyện, trong đó đã bao hàm khả năng ngăn chặn dịch khi vẫn giãn cách xã hội, đó là sau ngày 15/4 có thể “nới” ở những địa bàn không có dịch. Ở đâu có dịch thì sẽ khoanh lại. Các tỉnh, thành đang có ổ dịch, có nguy cơ lây lan như Hà Nội, TP.HCM thì cần tiếp tục xem xét giãn cách dài thêm.

Có những cái mốc thời gian được đề nghị giãn cách thêm 7 ngày, 14 ngày, thậm chí hết tháng 5 kể từ sau ngày 15/4. Nhưng thiết nghĩ mốc thời gian không quan trọng bằng nội dung giãn cách, giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng tỉnh/thành cũng như sự phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói Việt Nam có mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh và vừa vực dậy kinh tế nhưng ưu tiên vẫn là tính mạng và sức khỏe người dân. Trên thực tế, về cơ bản, Việt Nam đã có những điều kiện để thay đổi nội dung giãn cách xã hội. Số ca mắc mới gần như rất thấp hoặc có ngày không có ca nhiễm mới, số ca chữa khỏi cao hơn số ca mắc mới, khả năng kiểm soát tốc độ lây lan tốt hơn, hệ thống y tế dự phòng, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tạm đủ và có dự phòng. Thế nên, không thể tiếp tục giãn cách xã hội nghiêm khắc như cũ mà phải thay đổi cho phù hợp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề xuất Thủ tướng cho kéo dài cách ly xã hội tới 30/4.

Chưa kể, vẫn chưa có vắc-xin ngay nên cả thế giới và Việt Nam vẫn chưa biết thời điểm nào sẽ kết thúc dịch bệnh nên chúng ta càng không nên ám ảnh bởi mốc thời gian cuối cùng của giãn cách xã hội mà điều cần quan tâm nhất là nội dung như thế nào cho từng giai đoạn để vừa chống dịch hiệu quả vừa an sinh xã hội, bình ổn kinh tế. Bởi lẽ có rất nhiều người dân phải kiếm sống mỗi ngày ở những lĩnh vực không phục vụ các nhu cầu thiết yếu như bán vé số, đánh giày, buôn bán đồ ăn vỉa hè, bán hoa tươi,… và giới hạn chịu đựng của toàn xã hội cũng là một điều cần phải tính toán.

Điều hiển nhiên, nếu nước ta nới giãn Chỉ thị của Thủ tướng thì sẽ là thách thức lớn hơn cho chính quyền so với việc đóng cửa cố thủ nhưng chúng ta cũng không thể phòng ngự mãi. Thêm vào đó, một nền kinh tế mở như Việt Nam không thể đóng cửa mãi với thế giới. Khi một số nước đối tác lớn qua đỉnh dịch, mặc dù khả năng lây nhiễm vẫn còn nhưng họ vẫn rục rịch mở cửa giao thương thì chẳng lẽ nước ta không có phương án gì sao? Hiện tại, mặt trận kinh tế Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, cũng cần được giải cứu, sau bao nhiêu năm tăng trưởng dương thì những tháng dịch vừa qua đã kéo nền kinh tế đi xuống, tâng trưởng âm.

Nhiều doanh nghiệp và người lao động đang lao đao trong đại dịch Covid-19. Vì vậy Nhà nước cần có giải pháp giãn cách xã hội linh hoạt.

Nhân đây, cũng xin nhắc lại một câu chuyện thời Thủ tướng Phan Văn Khải khi Việt Nam chống chọi với khủng hoảng kinh tế khu vực cách đây hơn 20 năm. Thời điểm khó khăn đó, Chính phủ đã đưa ra phương án “kích thích nội thu”, đẩy mạnh đầu tư sản xuất trong nước bằng chính nguồn lực nội tại, một số dựa án như xây dựng điện đường trường trạm được triển khai ngay. Kết quá, nền kinh tế đã vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục. “Kích thích nội thu” của 20 năm trước có thể phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị phá vỡ, một số quốc gia trên thế giới đóng cửa thì Việt Nam có thể bình ổn kinh tế bằng chính thị trường nội địa của mình.

Mới đây, chiều ngày 15/4, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội ở một số địa phương. Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương (Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hà Tĩnh), đặc biệt là 2 đô thị Hà Nội và TP.HCM. Các địa phương này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng có lây nhiễm xảy ra.

Hai nhóm còn lại là nhóm có nguy cơ (15 tỉnh) và nguy cơ thấp (36 tỉnh). Nhóm nguy cơ bao gồm: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Nhóm nguy cơ thấp là các địa phương còn lại.

Đối với các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp  tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh được Chính phủ, Bộ Y tế khuyến cáo trước đó như hạn chế đi lại, tụ tập đông người, mang khẩu trang và thường xuyên rửa tay,… thì mỗi người vẫn nên thực hiện. Các quy trình theo dõi, cách ly, điều trị vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt như cũ. Để vừa chống được dịch, vừa “sống thật sự” trong dịch Covid-19, vừa vực dậy nền kinh tế thì chỉ có thể trộng cậy vào sự đoàn kết, ý thức, hành động của toàn thể nhân dân ta mà thôi.

Đặng Trường 

Đọc nhiều