Việt Nam phải làm gì khi tàu Hải Dương 8 xâm phạm lần 2?

Đặng Trường 16/08/2019 11:25

Đúng như Đặng Trường dự đoán thì Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông và chấm dứt việc “chuyển lửa ra bên ngoài”. Hành động tàu Hải Dương 8 quay lại vùng biển Việt Nam như một lời tái công khai khiêu chiến đến cùng của Trung Quốc. Vậy nước ta sẽ tiếp tục đối sách khôn ngoan nào đây?

tautrungquoc
Tàu Hải Dương của Trung Quốc 8 quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam lần 2.

Về đối ngoại, Việt Nam cần nâng cấp các kênh ngoại giao để phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc đồng thời tranh thủ sự ủng hộ từ nhiều phía về vấn đề bảo vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam và duy trì hòa bình ở biển Đông. Hơn bao giờ hết, việc tăng cường hợp tác với các cường quốc là Mỹ, Nhật, Úc, Nga và khối EU có ý nghĩa chiến lược hơn bao giờ hết. Trong quá khứ, chúng ta đã hợp tác với hợp tác với Repsol (Tây Ban Nha) tại mỏ Cá Rồng Đỏ, hiện tại chúng ta đang hợp tác với Rosneft (Nga) tại mỏ Lan Đỏ & Lan Tây; với Exxon Mobil (Mỹ) tại mỏ khí Cá Voi Xanh và cùng Nhật hạ đặt giàn khoan tại bãi Tư Chính. Nói cách khác, việc gắn chặt lợi ích của một số quốc gia với Việt Nam theo kiểu cộng sinh như trên không chỉ hữu dụng trong việc đối phó với Trung Quốc hiện nay mà còn đập tan âm mưu bắt ép Việt Nam chỉ hợp tác với họ để “cùng khai thác” tài nguyên biển.

Về đối nội, Việt Nam cần nghiêm túc điều tra và xử lý các doanh nghiệp gian lận thương mại tranh thủ “đục nước béo cò”, biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc để trốn thuế nhập khẩu của Mỹ. Nếu trước đây còn chủ quan thì bây giờ, sau lời nói và hành động cảnh báo của Mỹ, chúng ta càng phải thực hiện nghiêm ngặt hơn. Không để một số doanh nghiệp hám lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác lâu dài với Mỹ.

tauhaiduong
quangbinh
Hình ảnh xúc động làng biển Quảng bình chuẩn bị ra khơi, khi ngoài kia Trung Quốc vẫn gây hấn trên vùng biển nước ta.

Nói thẳng luôn một vấn đề, để hoạt động bám biển của các chiến sỹ hải quân, cảnh sát biển, dân quân tự vệ, ngư dân diễn ra liên tục, thuận lợi thì nước ta cần phải trang bị mới thêm tàu thuyền, phương tiện liên lạc trên biển, dụng cụ y tế,… có thể ứng phó trong tình huống cấp bách. Cần lắm những chiếc “kình ngư biển” to lớn hơn nữa, có thể đạp sóng biển Đông, vững chãi trước phong ba bão táp và hiên ngang trước mũi tàu của các nước ngoại bang. Hiện nay, số lượng tàu thuyền cũ kỹ không phải ít, chúng ta không thể đánh cược sinh mạng của người lính biển và người dân bằng những con tàu vừa ra khơi được vài ngày đã thủng khoang được.

Về truyền thông, muốn được quốc tế ủng hộ, Việt Nam phải lên tiếng vận động (như thời chống Mỹ). Vai trò truyền thông báo chí rất quan trọng nên Trung Quốc đã chú ý vận dụng “Tam chủng chiến pháp”, trong đó có truyền thông, dùng dư luận khắc chế dư luận. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược tuyên truyền hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc nhiều hơn nữa, để Trung Quốc không còn cơ hội tung hỏa mù thông tin sai sự thật về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tình hình biển Đông và cũng để nhân dân ta nhận biết rõ “địch – ta”.

Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam chính là bảo vệ không gian sinh tồn của sinh vật biển, con đường hàng hải huyết mạch, nguồn sống của ngư dân và an ninh năng lượng quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ càng phải mạnh mẽ hơn để tháo gỡ mọi khó khăn và phát huy thế mạnh kinh tế của mình. Muốn độc lập bảo vệ chủ quyền thì Việt Nam phải tự cường và dựa vào nội lực là chính, bên cạnh tăng cường hợp tác chiến lược với các nước để cùng chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu duy trì hòa bình tại Biển Đông.

Đặng Trường 

Đọc nhiều