Việt Á, vị Thứ trưởng bị bắt giam và câu chuyện niềm tin cán bộ

An Diễm 20/04/2022 14:46

Sẽ không nhiều người cảm thấy sửng sốt về việc Thứ trưởng Bộ ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt giam, sau một chuỗi những vụ việc khởi tố, bắt tạm giam, kỷ luật nhiều cán bộ thoái hóa biến chất thời gian gần đây liên quan đến các đại án thời Covid-19. Thế nhưng, vụ việc mới nhất này là thời điểm cần nhìn nhận nghiêm túc về những hệ lụy và tranh cãi mà chuỗi sự kiện này gây ra trong xã hội.

Thứ trưởng Tô Anh Dũng (ngoài cùng bên trái) bị bắt vì trục lợi các chuyên bay giải cứu

Ngày 31/12/2021, “quả bom” Việt Á bắt đầu phát nổ bằng việc bắt tạm giam các lãnh đạo Công ty Việt Á vì tội “Đưa hối lộ” và tiêu cực trong đấu thầu các bộ kit test Covid-19. Quá trình điều tra tiếp theo làm lộ ra sai phạm của một loạt Giám đốc CDC các tỉnh thành, sau đó dẫn tới vấn đề gian dối trong việc nghiên cứu các bộ kit test này. Và hậu quả là một loạt các lãnh đạo Học viện Quân y bị cách chức, kỷ luật, bắt tạm giam, sau đó tới việc phải xem xét kỷ luật Bộ trưởng Bộ KH-CN và Bộ trưởng Bộ Y tế. Một vụ việc “lùm xùm” khác cũng liên quan đến dịch Covid-19 là ngày 28/1/2022, Cục trưởng Cục lãnh sự cùng ba người khác tại Bộ ngoại giao bị bắt vì hành vi trục lợi cá nhân khi xét duyệt cấp phép các chuyến bay “giải cứu” công dân từ vùng dịch. Vụ án này chính là nguyên nhân khiến Thứ trưởng Bộ ngoại giao Tô Anh Dũng trở thành quan chức cấp cao mới nhất bị khởi tố bắt tạm giam ngày 14/4/2022 vừa qua.

Đây là những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian cao điểm dịch bệnh, ảnh hưởng đến nhiều người và đặc biệt là tác động lớn đến niềm tin của xã hội.

Vào thời điểm tháng 3/2020, nhiều tin tức về bộ kit test “made in Việt Nam” lan truyền trên báo chí làm nức lòng người dân cả nước. Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ Việt Á tuyên bố tự nghiên cứu ra các bộ sinh phẩm này với hiệu suất cao mà giá chỉ rẻ bằng 1/4 nước ngoài, rồi thì WHO phê duyệt, nhiều nước đặt hàng…Thế nhưng tất cả chỉ là “bánh vẽ”, nhiều người ngã ngửa ra khi biết công ty Việt Á thậm chí còn không có nhà máy sản xuất kit test mà nhập từ nước ngoài về, còn WHO thì tuyên bố chưa bao giờ phê duyệt các sản phẩm này của Việt Á. “Niềm tự hào” tan biến, và vụ việc nghiêm trọng đến mức Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải vào cuộc.

Cho tới những ngày gần đây, vẫn còn nhiều người chưa thể quên được thời khắc vỡ òa vui mừng khi họ hoặc người thân được lên những chuyến bay “giải cứu” để về nước trong thời điểm dịch bệnh hoành hành trên thế giới. Và kể cả không có thân nhân được giải cứu đi nữa thì không một người Việt nào không xúc động với những chuyến bay xuyên lục địa, đưa các công dân Việt Nam từ hải ngoại trở về Tổ quốc. Nhiều người thậm chí chẳng cần quan tâm chi phí “Về được quê là coi như đã được sống lại”. Hình ảnh phi hành đoàn với bộ đồ bảo hộ kín mít cùng các lực lượng chức năng đón tiếp bà con trở về, tổ chức cách ly an toàn… mãi mãi là những hình ảnh đẹp như một câu dân ca xứ Nghệ: “Rằng qua cơn lận đận, mới hiểu tận lòng nhau”. Thế nhưng bức tranh đẹp về lòng hy sinh được vẽ nên bằng những hình ảnh đáng ghi nhận từ cuộc giải cứu bỗng bị hoen ố bởi sai phạm của một vài cán bộ, và để lại sự nhức nhối cho toàn xã hội.

Lợi dụng chính sách hay hoàn cảnh để trục lợi không phải là điều gì quá lạ lẫm, chỉ lạ là vì sao trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy, sinh mạng con người bị đe dọa như vậy thì có người lại thản nhiên tìm cách móc túi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của đồng bào mình. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng các vụ việc này không thể phủ nhận được nỗ lực của Nhà nước trong công tác chống dịch, bảo hộ công dân. Vẫn còn đó những y bác sỹ, các chiến sỹ công an, quân đội đi thẳng vào tâm dịch trợ giúp đồng bào, hay những phi công, tiếp viên bay đến vùng dịch để đưa bà con về nước. Điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận có thể sẽ phải đánh đổi tính mạng của mình để việc giải cứu thực sự mang vẻ đẹp của sự giải cứu, và đó thực sự là những điều mang lại giá trị tích cực.

Không thiếu những quan điểm thể hiện sự băn khoăn về mặt “quản trị”. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao sai phạm xảy ra trong một thời gian dài như vậy, “tích tụ” khá lâu như vậy mới bị phát hiện ra, khi đã để lại hậu quả nghiêm trọng gây mất lòng tin của xã hội. Nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế là trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng, diễn biến khó lường thì nhiều quy trình, thủ tục buộc phải đơn giản hóa để đẩy nhanh việc ra quyết định. Chính điều này tạo thêm những kẽ hở luật pháp mà những đối tượng thoái hóa có thể lợi dụng để trục lợi cá nhân, đây là việc xảy ra với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việc các cán bộ phụ trách cấp cao nhất như Thứ trưởng, Bộ trưởng bị khởi tố bắt tạm giam hoặc xem xét kỷ luật chứng tỏ sai phạm diễn ra ở quy mô ngành với những thông tin đặc thù và cục bộ riêng không dễ tiếp cận.

Từ thực tế trên cho thấy công tác chống tham nhũng, tiêu cực đã có một điểm mới là nhanh chóng nắm bắt các vụ việc tiêu cực được dư luận xã hội quan tâm để đưa ra ánh sáng. Từ số lượng tổ chức, cá nhân liên quan tới vụ án cũng như số tiền tham nhũng bước đầu được cơ quan chức năng công bố đã cho thấy “tai mắt” của nhân dân luôn đúng, đặc biệt khi các vụ án xảy ra trong một thời điểm vô cùng đặc biệt, là lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực, đồng lòng, nhường cơm sẻ áo để chống đại dịch Covid-19. Những vụ việc này cần làm nhanh, quyết liệt như yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc đẩy nhanh xử lý các vi phạm cũng sẽ hạn chế được nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín về mặt chính trị. Thời gian qua, trong khi các cơ quan chức năng tiến hành truy tố và nhiều cán bộ cấp cao bị bắt hoặc xử phạt thì các trang mạng chống phá, thù địch nước ngoài cũng ra sức thêu dệt, lan truyền nhiều luận điệu công kích chính quyền Việt Nam. Dễ hiểu bởi ở một khía cạnh nào đó, các cán bộ cấp cao là thành viên quan trọng của bộ máy lãnh đạo Nhà nước và ở một khía cạnh nào đó là “bộ mặt” của Nhà nước. Vì thế, khi các cán bộ này bị truy tố, các đối tượng đã tạo ra nhiều thuyết âm mưu như: “việc bắt bớ thể hiện đấu đá phe nhóm”, “bắt người này mà không bắt người kia chứng tỏ hời hợt”, “cán bộ nào thì cũng tham nhũng”, “công tác nhân sự có vấn đề” … Đương nhiên đây chỉ là các luận điệu suy diễn, quy kết của những kẻ vốn không có uy tín, nhưng không tránh khỏi việc có một bộ phận người dân cả tin bị ảnh hưởng.

Công tác báo chí, đưa tin, định hướng về các chỉ đạo, chủ trương của Nhà nước liên quan đến các vụ việc này có lẽ cũng cần phải thận trọng, chắc chắn hơn. Sai sót phải được nhìn nhận, bài học thì phải được rút ra, tránh bao che hay giảm nhẹ sai phạm, tránh những quan điểm một chiều. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng việc xử lý quyết liệt, không có giới hạn đối với các vụ việc này là một lời cảnh tỉnh sâu sắc cho các cán bộ đương chức, đương quyền.

An Diễm

Đọc nhiều