10
topics
553929

Viễn cảnh cho nền kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc gia nhập CPTPP thành công

La Hoàng 28/09/2021 18:00

Cuối ngày 16/9 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra một quyết định vô cùng bất ngờ khi chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – 1 trong 3 Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, mà Việt nam là một trong 11 quốc gia thành viên. Dưới góc độ của Việt Nam – một nước thành viên CPTPP, nếu việc ký kết diễn ra thành công, sự hợp tác khu vực này sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều điểm thuận lợi và bất lợi nhất định.

Đại diện các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8/3/2018 ở Santiago (Chile). Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO CHILE/THE DIPLOMAT

Những cơ hội cho Việt Nam…

Trung Quốc được biết đến là 1 trong 2 quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, với thị trường 1,5 tỉ người tiêu dùng. Vì thế, động thái mới nhất này của Trung Quốc rất có ý nghĩa đối với vị thế của hiệp định CPTPP. Nếu lời ngỏ của Bắc Kinh được phê duyệt, CPTPP chính thức vượt qua Hiệp định thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để trở thành Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, xét theo quy mô tổng các nền kinh tế toàn cầu. Điều này thể hiện, việc CPTPP ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm, mong muốn được gia nhập cho thấy vai trò của CPTPP ngày càng tăng trong việc xúc tiến hợp tác kinh tế khu vực và hội nhập quốc tế. Từ đó, dưới cương vị của một nước thành viên thuộc CPTPP, Việt Nam dễ dàng đạt được sự thăng tiến vị thế và tầm ảnh hưởng của quốc gia đến các nước khác trên toàn thế giới, về lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị.

Một số thành viên của CPTPP.

Xét về mặt chính trị, quyết định xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc đóng vai trò khá quan trọng để Việt Nam có thể gián tiếp khẳng định tiếng nói của mình trên diễn dàn chung của các quốc gia. Cụ thể, hoạt động đàm phán và ký kết sẽ hưởng lợi nhiều nhất đối với Việt Nam. Là một quốc gia tiếp giáp với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Việt Nam dễ dàng đi đến việc thỏa thuận và củng cố quyền lợi của mình trong giao dịch thương mại cũng như can thiệp sâu hơn vào việc chỉnh sửa quy tắc, điều kiện giao thương với các quốc gia khác, thay thế cho một phong thái nhượng bộ, ôn hòa thông thường khi hợp tác quốc tế.

Xét về mặt kinh tế, có thể nhận định rằng, chính việc thiết lập mối quan hệ đa phương giữa các thành viên CPTPP nói chung và Việt Nam nói riêng với Trung Quốc, mang lại nhiều thuận lợi lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt với bối cảnh hiện nay, sự hợp tác quốc tế trong khuôn khổ khu vực mang tính đột phá này tạo cơ hội cho sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng từ Đại dịch Covid-19.

Cụ thể, sau cuộc đình trệ của chuỗi cung ứng và nền kinh tế suy sụp trầm trọng, quyết định gia nhập CPTPP của Trung Quốc mang lại lợi thế to lớn cho lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nếu mối quan hệ được thiết lập, dễ dàng dự đoán được, việc giảm thuế nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang láng giềng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt đối với nông sản – ngành hàng đang chiếm tỉ trọng lớn nhất. Điều này có ý nghĩa làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của mặt hàng nông lâm thủy hải sản mà Việt Nam chuyên sản xuất. Từ tác động này cho thấy, quyết định xin gia nhập của Trung Quốc sẽ gián tiếp ảnh hưởng tích cực đến lao động và sự phát triển kinh tế của Việt Nam hậu đại dịch. Lĩnh vực xuất nhập khẩu nếu nhận được bệ phóng của sự hợp tác, sẽ được xúc tiến vô cùng mạnh mẽ, giúp gia tăng cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động, cũng như trình độ phát triển kinh tế, thông qua việc sản xuất – xuất khẩu và chuyển giao công nghệ giữa các nước thành viên. Nhờ đó, Việt Nam có thể cải thiện được hệ thống an sinh và chất lượng sống của xã hội sau sự tàn phá của dịch bệnh trong 2 năm vừa qua.

Và những thách thức tiềm ẩn

Tuy nhiên, việc xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc song cũng được dự đoán mang lại những bất lợi khôn lường cho Việt Nam, đặc biệt khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và cựu thành viên Hoa Kỳ ngày càng căng thẳng.

Trong lĩnh vực chính trị, dù trước mắt, Việt Nam tăng cường xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các nước thành viên, giúp Việt Nam đạt được vị thế cao hơn trên diễn đàn các quốc gia, nhưng thực chất lại tiềm tàng một nguy cơ đứng giữa các xung đột giữa 2 nền kinh tế hàng đầu, và cả những bất lợi trong hợp tác quốc tế cùng các quốc gia châu Âu khác. Có thể hiểu rằng, Việt Nam sẽ vô tình rơi vào tình cảnh “trên đe dưới búa”. Trong tương lai, nếu sự gia nhập của Trung Quốc được các nước thành viên còn lại phê duyệt, chắc chắn việc lường trước các khó khăn từ đối tác Hoa Kỳ cần được dự báo, đặc biệt là trong giao dịch thương mại, chính trị.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc được biết đến như một cường quốc hùng mạnh và có không chịu “lép vế” trước bất kỳ đối thủ nào, kể cả Hoa Kỳ. Vì thế, có thể thấy rằng, nếu đạt được mục tiêu gia nhập CPTPP, Trung Quốc có khả năng chi phối lớn nhất trong việc tác động và điều chỉnh những quy tắc thương mại vốn được thiết lập trong khuôn khổ của Hiệp định CPTPP, sao cho thuận lợi nhất đối với Trung Quốc. Chính vì điều này, mối quan hệ song phương này cũng khiến Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể.

Cụ thể, trên thực tế, Trung Quốc vốn sở hữu nhiều mặt hàng sản xuất có tính cạnh tranh cao với Việt Nam, đặc biệt kể đến ngành hàng nông lâm thủy sản và ngành hàng tiêu dùng, vấn đề này khá là đi ngược với các đặc trưng của các quốc gia thành viên trong khối CPTPP – các quốc gia trong Hiệp định thường giao thương những loại hàng hóa không có tính cạnh tranh trực tiếp. Điều này sẽ đặt một sức ép cạnh tranh lớn cho Việt Nam khi phải đối diện với một quốc gia sở hữu nguồn cung ứng hàng hóa khổng lồ như Trung Quốc.

Thêm vào đó, nếu xét đến mặt hàng nội địa của Việt Nam, đặc biệt là ngành hàng điện tử và hàng tiêu dùng, mức độ sử dụng rộng rãi vẫn bị đánh giá thấp hơn và thiếu đa dạng hơn so với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thực tế này cho thấy, việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm sự mất cân bằng trong cán cân thương mại khi phần lợi nghiêng về phía Trung Quốc. Hậu quả có thể dự đoán là việc chúng ta tiếp tục lâm vào trạng thái nhập siêu, từ đó dẫn đến nguy cơ sự thiếu hụt dự trữ ngoại hối, cụ thể là đồng nhân dân tệ – đồng tiền ngày càng có sức nặng trên thị trường quốc tế hiện nay. Trong dài hạn, sự thiếu hụt này sẽ gây ra khó khăn to lớn cho Việt Nam khi có nhu cầu nhập khẩu những yếu tố năng lượng – những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của nền kinh tế của một quốc gia.

Nhìn chung, quyết định chính thức xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam trong mục tiêu hướng đến một quốc gia phát triển và có tầm ảnh hưởng trên thế giới, song cũng chứa đựng những thách thức tiềm ẩn khó dự đoán cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

La Hoàng

Đọc nhiều