Vì vùng đất xứng danh “Thành đồng của Tổ quốc”!

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, diện mạo giao thông của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đã dần thay da đổi thịt, góp phần phát triển kinh tế vùng rõ nét. Từ đó, có thể thấy, xây dựng hạ tầng giao thông chính là một trong những phương án chiến lược để phát triển các vùng kinh tế.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng lương thực – thực phẩm lớn nhất cả nước, có nhiều tiềm năng, cơ hội nổi trội với diện tích gần 4 triệu km² (khoảng 13% diện tích cả nước), mạng lưới sông ngòi dày đặc cùng với dân số khoảng 18 triệu người, nguồn lao động dồi dào. Được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước, chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy vậy, điểm yếu về cơ sở hạ tầng giao thông đã trở thành rào cản lớn khiến đồng bằng màu mỡ này vẫn là “vùng trũng” của cả nước.

Tuyến giao thông đường bộ “xương sống” của vùng ĐBSCL là Quốc lộ 1 đi từ TP.HCM qua các địa phương Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và kết thúc ở Cà Mau, dài tổng cộng khoảng 400 km. Hiện rất nhiều đoạn chỉ có 2 làn xe ôtô, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, mặc dù có lợi thế sông nước nhưng giao thông thủy của vùng còn hạn chế. Đặc biệt, cả vùng ĐBSCL mới chỉ có 90 km đường cao tốc (đoạn TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chỉ chiếm 7%. Trong khi đó, có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại TP.HCM, Đồng Nai để xuất khẩu. Hàng hoá ra vào tại các cảng không thuận lợi vì tàu 10.000 tấn vẫn chưa thể đến với cảng TP. Cần Thơ, cũng như tàu 80.000 – 100.000 tấn không thể hoạt động ở khu vực ĐBSCL. Khó khăn này cản trở việc đáp ứng mục tiêu lượng hàng 21 – 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 – 500.000 TEUs/năm.

Thêm vào đó, về hàng không, hiện chỉ có sân bay Cần Thơ là máy báy cỡ lớn có thể đỗ được, trong khi ĐBSCL còn nhiều hệ thống sân bay khác như Phú Quốc, Cà Mau… Cơ sở hạ tầng và diện tích đường bằng chưa đủ hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân cản trở khách du lịch đến với các địa phương.

Để đưa ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng”, giảm chi phí logistics, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng thì bắt buộc phải thay đổi diện mạo giao thông toàn diện. Từ việc phát triển giao thông đường bộ, đường thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ – hậu cần…

Giao thông được mệnh danh là “mạch máu” của nền kinh tế. Bởi giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế – xã hội sẽ phát triển theo, đồng thời giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế. Chính vì thế, trong Hội nghị về kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL giai đoạn 2025 – 2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng với sự phát triển của ĐBSCL. Các cơ quan, ban, ngành cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL.

Với mục tiêu ưu tiên số 1 cho hạ tầng giao thông, đối với 7 tỉnh ven biển là Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sẽ hoàn thành khép kín dự kiến khoảng 378 km đường ven biển, cải tạo nâng cấp khoảng 48,5 km đường, 184 cầu trung và nhiều cầu nhỏ, ngoài ra có 5 cây cầu lớn vượt sông Tiền. Với 6 tỉnh không có biển, sẽ hoàn thành 138,3 km đường, 167 cầu trung và nhiều cầu nhỏ; tăng diện tích tưới tiêu lên tới 78.800 ha, phòng chống sạt lở trên 10 km, cải tạo nâng cấp 43 km đường giao thông; cải tạo, nâng cấp 265 km đường quốc lộ…

Về giao thông đường thủy, đầu tư nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, còn hoàn thành 46,5 km luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, nạo vét 28 km tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 1. Đặc biệt hơn, bổ sung cảng nước sâu Trần Đề, xem như là cửa ngõ chính của ĐBSCL. Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ GTVT đang nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay, bao gồm đường băng với sân bay Phú Quốc, sân bay Cà Mau và Rạch Giá.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như đã nói, số km đường cao tốc của ĐBSCL còn khá khiêm tốn, vì thế Chính phủ đã đưa ra mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2050 toàn vùng có khoảng 1.180 km/9.014 km của cả nước, trong đó đến năm 2030 có khoảng 760 km.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần “qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất”. Mặc dù, mục tiêu 1.180 km đường cao tốc ở ĐBSCL là một con số khá lớn nhưng với quyết tâm khắc phục mọi hạn chế của thiên nhiên thì chẳng bao lâu nữa, ĐBSCL sẽ “xóa trắng quốc lộ”.

Thấu hiểu được câu nói “lộ thông, tài thông”, vùng ĐBSCL đang và sẽ được đẩy mạnh đầu tư để tháo “điểm nghẽn” về giao thông cho toàn vùng. Đây không chỉ là niềm mong mỏi của chính người dân, của chính quyền các địa phương, mà còn thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược, dài hạn của đất nước.

Khi các nút thắt về giao thông được tháo gỡ thì không chỉ những khó khăn trong việc liên kết vùng được giải quyết, lương thực, thực phẩm được vận chuyển nhanh chóng mà đây còn là cơ hội thu hút du khách đến tham quan khu du lịch sinh thái Tràm Chim, Bà Chúa Xứ – Núi Sam, Nhà Bàng – Núi Cấm, chợ nổi Cần Thơ…

Việc phát triển giao thông đường bộ cũng giúp đưa các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế… tới gần hơn với bà con các vùng nông thôn hay bà con dân tộc thiểu số ở các khu vực hẻo lánh. Góp phần nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống cho bà con sinh sống ở khu vực ĐBSCL. Quan trọng hơn nữa là có thể thắt chặt quốc phòng an ninh, bảo vệ hơn nữa chủ quyền lãnh thổ quốc gia khi khu vực ĐBSCL có rất nhiều cửa khẩu quốc tế quan trọng.

ĐBSCL là vùng đất trù phú, giàu tiềm năng đã được “đánh thức” nhưng chưa thực sự “thức dậy” để phát triển thịnh vượng. Hy vọng với những phương án đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông được đề ra trong Nghị quyết 78 của Chính phủ thì sắp tới, ĐBSCL sẽ thay da đổi thịt, xứng đáng là cửa ngõ Tây Nam, “Thành đồng của Tổ quốc”.

Thực hiện: LS Lê
Đồ họa: M.N