Vị trí top đầu thế giới gọi tên Việt Nam
Với mức tăng GDP lên tới 8,2% trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã lọt vào top cao nhất trên thế giới. Theo Sputnik, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải rơi vào tình trạng giảm phát, thành tựu trên của Việt Nam cho thấy sự phục hồi đáng kinh ngạc sau đại dịch Covid-19.
Tăng trưởng kỷ lục
Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,2%, mức tăng cao nhất từ 2011 đến 2022. Theo dữ liệu chung trên toàn thế giới, GDP của Việt Nam tăng trưởng trên 8,2% trong năm 2022, vào hạng cao nhất thế giới. Có thể thấy, kinh tế Việt Nam đã hồi phục “ngoạn mục” sau dịch Covid-19. Điều này càng đặc biệt hơn nữa trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải rơi vào tình trạng giảm phát.
Đây là nền tảng giúp Việt Nam đối phó với những khó khăn trong nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, cộng thêm những căng thẳng trong quan hệ địa chính trị thời gian tới. Mức tăng trưởng 8,2% chủ yếu là nhờ sự hồi phục tiêu thụ và sản xuất khi Covid-19 bớt lây lan, kinh tế mở cửa và nền so sánh 2021 rất thấp.
Ngoài ra, gói kích thích kinh tế 2022-2023 mà Chính phủ ban hành hồi đầu năm đã có tác động tích cực, kịp thời. Đặc biệt, xuất khẩu tăng 13,4% trong 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng trên.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2022 đạt mức kỷ lục hơn 730 tỷ USD, hay khoảng 176% so với GDP – thuộc hạng cao nhất thế giới. Kinh tế mở cửa như thế rất tốt khi kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, nhưng cũng sẽ trở thành điểm yếu khi kinh tế toàn cầu suy thoái như dự báo, theo Sputnik.
Khó khăn, thách thức trong năm 2023
Trong năm 2023, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Suất tăng trưởng toàn cầu ước tính chỉ còn 1,5% (so với mức 2,9% trong năm 2022). Hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Châu Âu và Mỹ đều có suất tăng trưởng rất kém, lần lượt là -2% và 1%.
Theo ước tính của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), lượng thương mại quốc tế sẽ suy giảm mạnh còn 1% trong năm 2023 so với 3,5% năm nay. Như vậy, mức cầu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm rõ rệt trong năm tới.
Việt Nam cũng gặp phải nhiều khó khăn trong lĩnh vực hàng xuất khẩu, đến từ các nguyên nhân như: bảo hộ mậu dịch, chống gian lận xuất xứ, kiểm tra chất lượng về y tế và môi trường, sự cạnh tranh của các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc với hàng giá rẻ.
Giải pháp ứng phó
Để ứng phó với những thách thức nói trên, Việt Nam cần tập trung hỗ trợ nền kinh tế nội địa, bằng cách tăng tiến độ giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện chỉ trên 50%, và các gói kích thích kinh tế. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các khoản đầu tư nước ngoài (FDI), hiện chỉ khoảng 61% vốn đăng ký, thông qua việc tiếp tục cải cách tinh gọn bộ máy hành chính và nâng cao hiệu quả làm việc.
Lấy dẫn chứng, Foxconn vừa chuyển một phần việc lắp ráp Macbook của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam. Kể từ sau Đổi mới đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 430 tỷ USD FDI, tương đương với 108% GDP. Đây là mức rất cao so với bình quân của các nước trên thế giới là 45%. Vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá và phát triển kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nỗ lực kìm chế lạm phát, nhằm duy trì sức mua thực sự của người dân và doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ mức cầu nội địa.
Bảo Trâm