Vì sao vụ ông Nguyễn Bắc Son là điển hình trong chống tham nhũng?

12/09/2019 14:24

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng.

Sáng nay (12/9), trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ) cho biết: Năm 2019, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã trình Quốc hội thông qua nhiều luật, nghị quyết, ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Đặc biệt là để triển khai thực hiện các quy định mới của Luật PCTN, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định hướng dẫn, quy định nhiều nội dung nhằm giải quyết những vướng mắc lớn trong thời gian qua về công tác PCTN.

Đề cập về kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó, như  việc khởi tố các vụ án: Vụ án Đặng Anh Tuấn phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Thông tin và Truyền thông, vụ án Đinh Ngọc Hệ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty Licogi 13; giai đoạn 2 vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam…

vi sao vu ong nguyen bac son la dien hinh trong chong tham nhung? hinh anh 1
Ông Nguyễn Bắc Son đã khai nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ trong thương vụ Mobifone mua AVG (ảnh IT).

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường chỉ đạo, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp do tham nhũng, vi phạm về quản lý kinh tế.

Việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, bà Lê Thị Nga cho biết đã có nhiều chuyển biến tích cực, đa số bảo đảm tiến độ xử lý. Đáng lưu ý là nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh, điển hình như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn.

Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, với hình phạt nghiêm khắc. Theo báo cáo đã có 94 bị cáo (chiếm18,8% tổng số bị cáo đã xét xử) phạm tội tham nhũng bị tuyên phạt án tù chung thân và tù có thời hạn từ 7 năm trở lên.

Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo thẩm tra cũng cho biết, việc phát hiện tham nhũng thông qua tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục, việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Một số địa phương có chuyển biến trong phát hiện, xử lý tham nhũng nhưng chưa đều. Một số vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn ở địa phương không phải do cơ quan điều tra ở địa phương phát hiện mà chủ yếu do cơ quan điều tra cấp trung ương khám phá, điều tra; các vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế do các cơ quan chức năng ở địa phương phát hiện, điều tra đa số là những vụ án nhỏ, xảy ra ở cấp huyện, cấp xã.

“Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là những vấn đề cần được Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSNDTC đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp khắc phục”, bà Lê Thị Nga cho biết.

Đánh giá về tình hình tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đã lưu ý, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che dấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn… Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi.

Do đó, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình tế. Quá trình xử lý cần chú trọng đến việc điều tra chứng minh yếu tố chiếm đoạt, vụ lợi trong các vụ án kinh tế.

Ngọc Lương/Dân Việt

Đọc nhiều