Vì sao việc điều tra tập đoàn Thuận An lại “nóng”?

Thành An 19/04/2024 15:00

Những ngày qua, dư luận MXH râm ran bàn tán sau khi Bộ Công an công bố thông tin bước đầu về việc khởi tố, điều tra các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Thuận An.

Dư luận đặc biệt chú ý

Ngày 15/4, Trung Tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, thông tin rằng Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

Ông Hưng đang bị điều tra về các tội vi phạm liên quan đến quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và việc đưa hối lộ.

Ông Hưng đã bị bắt trong quá trình Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đang tiến hành điều tra vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Trước đó, thông tin về việc Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị điều tra đã lan truyền trên mạng xã hội. Sự phổ biến của thông tin này trên mạng cũng không làm bất ngờ bởi Tập đoàn Thuận An hiện là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng, thường thắng hàng chục gói thầu lớn tại nhiều địa phương trên toàn quốc.

Các bị can bị khởi tố, bắt giam trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thuận An.

Với vai trò là một nhà thầu độc lập hoặc tham gia vào liên danh, Thuận An hiện đã và đang tham gia thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Theo dữ liệu, chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Tập đoàn Thuận An đã tham gia 51 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu là 22.612 tỷ đồng. Trong số này, có hơn 8.272 tỷ đồng thuộc về các gói thầu chỉ định.

Các địa phương mà Thuận An đã tham gia đấu thầu dự án bao gồm: Hà Nội, Ninh Thuận, TP.HCM, Quảng Nam, Bắc Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn…

Vì lẽ đó, việc Chủ tịch và một số lãnh đạo Tập đoàn Thuận An bị “mời” làm việc với cơ quan điều tra trong một thời gian trước khi chính thức bị khởi tố, bắt giam dễ dàng được nhận ra và đồn thổi trước trên mạng.

Thế nhưng vụ việc sẽ không có gì quan trọng nếu không có sự “tiếp tay” của một số kẻ cơ hội chính trị. Tận dụng tâm lý tò mò, ưa bàn tán của một bộ phận dư luận, những kẻ này đã thêu dệt nhiều câu chuyện mang tính chất “thâm cung bí sử”, gán ghép câu chuyện của các “nhóm lợi ích”, “sân sau”, về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo…

Nguy hại hơn, những kẻ này còn tung ra các thuyết âm mưu cho rằng việc điều tra tập đoàn Thuận An là nhằm “đấu đá nội bộ”, “triệt hạ” lẫn nhau giữa phe này, phe kia…

Những câu chuyện trên mạng như thế này có thể khó tin với đa số người, thế nhưng với một bộ phận không nhỏ những cư dân mạng thì thực tế chúng lại rất “thuyết phục”.

“Thuyết phục” ở chỗ những kẻ tung ra các thuyết âm mưu trên đã nương theo đúng vào hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua để thao túng dư luận. Chúng dùng những thông tin về việc hàng loạt cán bộ bị xử lý vì các vi phạm liên quan đến “đấu thầu”, trong đó có cả những vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải xin từ chức vì liên đới đến sai phạm của cấp dưới. Từ đó vẽ ra một câu chuyện đầy tính ly kỳ nhằm thao túng một bộ phận dư luận.

Xử lý các vi phạm đấu thầu là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị

Thực tế cho thấy, việc xử lý các sai phạm có liên quan đến hàng loạt doanh nghiệp trong những năm qua là nỗ lực của cả hệ thống chính trị chứ không phải của bất cứ “phe phái” nào.

Đây cũng chính là kết luận của chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc họp phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp.

Cụ thể, theo Tổng Bí thư, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng loạt các cơ quan của Đảng và Nhà nước từ cấp Trung ương cho đến các địa phương đã khẩn trương vào cuộc, đưa công tác phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, là xương sống trong công tác xây dựng Đảng.

Trong đó, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật về đấu thầu được xác định là một trọng tâm trong công tác PCTNTC.

Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) quy định về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm 07 hành vi sau: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép.

Trong hầu hết các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, hành vi sai phạm kéo dài, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cá nhân tổ chức, gây thất thoát lớn về tài sản cho Nhà nước, trong đó có nguyên nhân do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu.

Vượt qua những khó khăn phức tạp, với sự nỗ lực lớn của hàng loạt các cơ quan của Đảng và Nhà nước mà đi đầu là Ban Chỉ đạo PCTNTC, Ủy ban Kiểm tra TW, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục tố tụng nhằm đưa hàng loạt các đại án ra xét xử trong thời gian rất ngắn.

Việc xử lý các sai phạm liên quan đến Việt Á và các CDC tại khắp các tỉnh thành, các sai phạm liên quan đến Tập đoàn AIC… là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của cả một hệ thống chính trị chứ không phải của bất cứ “phe phái” nào. Và mới đây nhất, việc khởi tố điều tra các sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An chỉ là những dòng nối dài của những nỗ lực trên.

Trong bối cảnh Việt Nam gia tăng đầu tư công trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn này thì việc xử lý chính các doanh nghiệp vi phạm các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng là điều hết sức cần thiết. Không chỉ tạo sự minh bạch trong hoạt động đấu thầu mà trên hết còn là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Nỗ lực này đã nhận được sự ghi nhận rất lớn của đông đảo người dân, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như chứng minh công tác phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực là không bao giờ dừng lại, không có vùng cấm.

Và để trả lời cho những luận điệu “lệch sóng”, để củng cố niềm tin cho một bộ phận dư luận có phần “lung lay” trên MXH, người viết xin trích dẫn lại một phần phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc này như sau:

“Tôi đã nhiều lần nói rồi, ai không dám làm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực chúng ta càng mạnh lên, Đảng ta càng được củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đồng thời, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống đối cho rằng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ đảng viên là đấu đá nội bộ, là phe cánh làm nhụt chí của những người khác. Đây là làm để xây dựng chứ không phải là để gây ra mâu thuẫn nội bộ. Còn những người nào mà cố tình vi phạm tung tin nói lung tung, xử luôn những người đó. Đây là vì sự tồn vong của Đảng của chế độ vì sự phồn vinh của đất nước ta. Tôi đã nói rồi, kẻ xấu mà nói xấu ta, tức là ta làm đúng và tốt không có ngại gì cả”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Thành An

Đọc nhiều