8
category
320684

Vì sao tư nhân lớn trong nước không tham gia đấu thầu cao tốc Bắc – Nam?

15/08/2019 11:08

Rủi ro chính sách về đầu tư BOT và những điều kiện mời thầu bất hợp lý là rào cản lớn nhất, khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân có tiềm lực tài chính mạnh như Geleximco, Sungroup, Vingroup không tham gia đấu thầu 8 dự án BOT cao tốc Bắc – Nam.

Lo ngại rủi ro chính sách

Vì sao tư nhân lớn trong nước không tham gia đấu thầu cao tốc Bắc - Nam? - Ảnh 1.
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là một trong những đoạn cao tốc Bắc – Nam đã hoàn thành – Ảnh: TT

Theo ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, có 2 nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân có năng lực tài chính mạnh cả trong và ngoài nước không tham gia đấu thầu 8 dự án BOT cao tốc Bắc – Nam. Đó là những bất cập trong yêu cầu về hợp đồng tương tự và rủi ro chính sách khi đầu tư một dự án BOT.

Vị này chia sẻ rằng: nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc trước khi vào đấu thầu dự án BOT cao tốc Bắc – Nam đã đến tham khảo ý kiến của Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam. Họ thực sự lo ngại các rủi ro về chính sách nay thế này mai thế khác, sự thiếu ổn định trong chính sách đầu tư BOT trong khi vòng đời dự án lại kéo dài cả chục năm.

Về phương diện tài chính, nhà đầu tư không ngại rủi ro vì họ đã tính toán rất kỹ trước khi đầu tư dự án, chắc chắn họ không đầu tư bằng mọi giá. Nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều ngại đối mặt với rủi ro chính sách bởi đây là điều họ không lường trước và kiểm soát được.

Vì sao tư nhân lớn trong nước không tham gia đấu thầu cao tốc Bắc - Nam? - Ảnh 2.
Ông Dương Văn Cận phó chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam – Ảnh: Đ.T

Bên cạnh đó, yêu cầu nhà đầu tư phải có hợp đồng tương tự khi tham gia đấu thầu các dự án BOT cao tốc Bắc – Nam cũng đang là một rào cản với nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính nhưng chưa từng làm cao tốc.

Ở đây cần làm rõ là lựa chọn nhà đầu tư, những người có tiền túi bỏ ra xây dựng cao tốc Bắc – Nam, vậy đâu cần bắt buộc họ phải có kỹ thuật thi công dự án tương tự. Nhà đầu tư trúng thầu BOT cao tốc Bắc – Nam hoàn toàn có thể liên danh với nhà đầu tư khác có kỹ thuật làm cao tốc, hoặc bỏ tiền thuê các nhà thầu xây lắp trong nước đã thi công cao tốc làm dự án.

Ông Dương Văn Cận dẫn giải nếu cứ quy định bắt buộc phải có hợp đồng thi công tương tự mới được làm dự án thì Công ty CP Xât dựng Coteccon sẽ không bao giờ có thể trúng thầu thi công tòa nhà The Landmark 81 tại TP.HCM.

Yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài liên danh với trong nước

Vì sao tư nhân lớn trong nước không tham gia đấu thầu cao tốc Bắc - Nam? - Ảnh 3.
TS.Vũ Đình Ánh cho rằng nên ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài liên danh với trong nước – Ảnh: Đ.T

TS. Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng: trong đấu thầu quốc tế 8 đoạn tuyến BOT cao tốc Bắc – Nam cần bổ sung điều kiện ràng buộc phải sử dụng nhà thầu phụ trong nước, phải liên doanh, liên kết với nhà đầu tư trong nước làm dự án.

Cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư Việt Nam tham gia với tư cách là một thành viên trong liên danh khi họ bị hạn chế về năng lực tài chính. Theo Luật đấu thầu thì như nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà đầu tư trong nước khi thực hiện dự án tại Việt Nam.

Cũng theo TS. Ánh: yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải liên danh với nhà đầu tư trong nước phải được đưa vào hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của cả 8 dự án BOT. Trường hợp nhà thầu nước ngoài không liên danh với nhà đầu tư trong nước cần loại ngay trong quá trình xét thầu.

Bên cạnh đó cần quy định cấm nhà thầu nước ngoài đưa lao động phổ thông vào làm tại các dự án BOT cao tốc Bắc – Nam. Thời gian qua tình trạng nhà thầu, nhà đầu tư Trung Quốc đưa lao động phổ thông vào làm việc tại các dự án điện ở Việt Nam rất phổ biến, cần sớm ngăn chặn.

Vì sao tư nhân lớn trong nước không tham gia đấu thầu cao tốc Bắc - Nam? - Ảnh 4.
Cầu Bạch Đằng là cầu dây văng nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng do người Việt đầu tư, thiết kế và tổ chức thi công – Ảnh: TIẾN THẮNG

Về việc nhà thầu Trung Quốc thường thắng thầu bằng mọi giá sau đó làm dự án chậm tiến độ, nâng tổng vốn đầu tư, vị chuyên gia này cho rằng cần nhìn nhận nhà thầu Trung Quốc họ làm rất tốt các cơ sở hạ tầng tại nước họ, tại sao sang Việt Nam họ lại làm dở? Nguyên nhân một phần do các cơ quan quản lý Việt Nam đàm phán hợp đồng BOT chưa chặt chẽ, các tiêu chí về sử phạt trong hợp đồng không nghiêm. Chúng ta cũng chưa mạnh dạn loại bỏ nhà thầu, nhà đầu tư yếu kém trong quá trình họ thi công chậm tiến độ dẫn tới đội vốn.

TS.Vũ Đình Ánh khuyến nghị cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về BOT, quy định rõ những rủi ro trong hợp đồng, dự án BOT nếu xảy ra ai sẽ phải chịu trách nhiệm. Cần tránh sự thay đổi liên tục khi dự án BOT kéo dài cả chục năm, nếu 1 trong số 8 dự án BOT này có vấn đề sẽ ảnh hưởng tới việc thông tuyến của cả cao tốc Bắc Nam trong tương lai.

BẢO NGỌC/Tuổi Trẻ

Đọc nhiều