Vì sao Trung Quốc mong muốn tham gia CPTPP?

08/06/2020 20:56

Tờ Nikkei Asian Review vừa đăng bài phân tích của ông Wendy Cutler, Phó Chủ tịch của Viện Chính sách xã hội châu Á, về sự thay đổi quan điểm của Trung Quốc liên quan tới Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Quan tâm đặc biệt

Trong lúc cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự chú ý vào luật an ninh quốc gia đối với Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, không mấy người chú ý đến tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Quốc hội vào tuần trước rằng Trung Quốc “có thái độ tích cực và cởi mở với việc tham gia hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm tới CPTPP. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc công khai thể hiện sự quan tâm tới hiệp định thương mại này.

Lãnh đạo Trung Quốc đã công khai thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới Hiệp định CPTPP.

Động cơ và thời điểm của tuyên bố này khiến nhiều người tò mò và có thể được lý giải theo hướng nghiêm túc hoặc với sự hoài nghi. Tuy nhiên, bất kể theo hướng nào, các nước, đặc biệt là Mỹ, không thể và không nên bỏ qua tuyên bố này.

Trong những ngày đầu đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, với sự tham gia của Mỹ, Bắc Kinh coi hiệp định này là chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc khi Washington mời các nước láng giềng của Bắc Kinh tham gia vào một thỏa thuận thương mại không có nền kinh tế lớn nhất châu Á này.

Tuy nhiên, quan điểm đó đã thay đổi khi các cuộc đàm phán về TPP diễn ra, và sự thay đổi như vậy được thể hiện trong một tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng Bắc Kinh có “thái độ cởi mở đối với TPP”.

Vào đầu năm 2016, các cuộc đàm phán TPP vừa kết thúc và nhiều quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào hiệp định này. Văn bản dài đã được dịch sang tiếng Trung, và trong các cuộc họp chính phủ, viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Wendy Cutler đã nhận được rất nhiều câu hỏi về các điều khoản cụ thể và ý nghĩa của chúng đối với Trung Quốc nếu nước này cân nhắc tham gia.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, với sự dẫn dắt của Nhật Bản, các nước thành viên khác đã quyết định vẫn tiếp tục thỏa thuận này mà không có sự tham gia của Mỹ và giúp CPTPP có hiệu lực giữa 7 trong số 11 thành viên cách đây khoảng 18 tháng.

Kể từ đó, Trung Quốc đã âm thầm tiếp cận một số nước thành viên CPTPP để tìm hiểu thêm về thỏa thuận cũng như quan điểm của các nước này về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.

Mặc dù các hành động này của Bắc Kinh chưa dẫn đến hành động nào cụ thể, nhưng điều đó thể hiện sự quan tâm liên tục của Trung Quốc. Và có vẻ như sự quan tâm này đã tăng lên một cấp độ mới bằng tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 30/5.

Ý đồ của Bắc Kinh

Dường như có một số nhân tố đang thúc đẩy Trung Quốc tham gia vào CPTPP.

Trước hết, với việc Mỹ không tham gia CPTPP và tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể sẽ kết thúc với việc ký kết thỏa thuận vào tháng 11 năm nay, điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc một con đường khác để hội nhập kinh tế với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ hai, CPTPP có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng như khả năng dễ tổn thương của nền kinh tế nước này trước hành động tăng thuế và các biện pháp trừng phạt khác của Washington.

Bên cạnh đó, cũng giống như việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây hai thập kỷ, việc gia nhập CPTPP có thể tạo ra áp lực bên ngoài để Bắc Kinh tiến hành một số cải cách cần thiết ở trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.

Cuối cùng, đó có thể là một hành động táo bạo của Bắc Kinh để chứng minh cho thế giới thấy rằng Trung Quốc nghiêm túc với tự do hóa thương mại và cải cách cơ cấu, trong khi Mỹ đang trượt sâu hơn vào chủ nghĩa bảo hộ.

Tuy nhiên, các nước thành viên CPTPP không nên ảo tưởng rằng sự quan tâm của Trung Quốc có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét lại việc tham gia vào Hiệp định này. Ngược lại, điều này có thể khiến quan điểm chỉ trích CPTPP của Tổng thống Trump trở nên cứng rắn hơn.

Trong số 7 nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn thỏa thuận, Singapore có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc ủng hộ Trung Quốc gia nhập hiệp định này. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review một năm trước, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Quan điểm của Singapore là chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc tham gia”.

Trong khi đó, Nhật Bản lại có quan điểm thận trọng hơn. Năm ngoái, một quan chức thương mại Nhật Bản đã nói với mạng Caixin rằng, “các nước thành viên CPTPP hoan nghênh tất cả những nước sẵn sàng chấp nhận các cam kết về tiếp cận thị trường và các quy định tiêu chuẩn cao”.

Dù vậy, ông này cũng nói thêm rằng Bắc Kinh, chứ không phải các nước thành viên CPTPP, là người quyết định liệu Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận các quy định của CPTPP hay không”.

Trong một cuộc họp vào tháng 1/2019, các nước thành viên CPTPP đã thiết lập quy trình kết nạp thêm thành viên. Cụ thể, họ yêu cầu các ứng viên thể hiện rằng họ có thể “tuân thủ tất cả các quy định hiện có trong CPTPP”. Hơn nữa, họ cũng kêu gọi có các cam kết tiếp cận thị trường toàn diện.

Đáp ứng cả hai yêu cầu này sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang siết chặt quản lý đối với nền kinh tế nước này.

Việc điều chỉnh các quy định của Trung Quốc phù hợp với các cam kết trong CPTPP về các vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, lao động, thương mại điện tử và đầu tư sẽ là một bước tiến lớn đối với Trung Quốc, bởi vì, Bắc Kinh sẽ đạt được tỷ lệ tự do hóa thuế quan cao mà các nước khác đã đáp ứng.

Nếu Trung Quốc thực hiện các hành động mở cửa thị trường để phù hợp với thái độ tích cực mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thể hiện, đây sẽ là bước đi đáng hoan nghênh cho một hệ thống thương mại toàn cầu đáng tin cậy. Và thời gian sẽ trả lời liệu các tuyên bố của ông Lý Khắc Cường về CPTPP có mang tính thực chất hay không.

(Theo Nikkei Asian Review)

Đọc nhiều