Vì sao TQ chọn thời điểm đại dịch để đẩy mạnh gây hấn với nhiều nước?

29/05/2020 08:00

Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát toàn cầu và Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn để tập trung đẩy lùi dịch bệnh thì Trung Quốc – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất thế giới bởi virus – lại không nghĩ vậy. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tham gia vào những cuộc tranh cãi không có hồi kết với phương Tây, đặc biệt là làm gia tăng căng thẳng tại khu vực biên giới với Ấn Độ, Biển Đông, eo biển Đài Loan.

Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động gây hấn với nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, theo chuyên gia (ảnh: Xinhua)

Hồi đầu tháng 5, tại khu vực Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã có màn “chào hỏi” nhau bằng gậy gộc, đất đá, cùng những cú đấm.

Sau vụ ẩu đả, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn trở nên gay gắt hơn khi 2 nước đều điều thêm binh sĩ, khí tài tới khu vực tranh chấp. Một vòng đàm phán diễn ra từ ngày 22 – 23 giữa các nhà ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc đã không mang lại kết quả.

Hằng ngày, Ấn Độ và Trung Quốc đều cử các đội tuần tra đi dọc biên giới đang tranh chấp rồi sau đó rút về an toàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, mọi thứ lại không được suôn sẻ như vậy.

Giới quan sát Mỹ nhận định, Trung Quốc dường như đang muốn “gồng cơ bắp” và leo thang căng thẳng tại tất cả các khu vực đang có tranh chấp vào thời điểm dịch bệnh lây lan.

Không chỉ tại biên giới với Ấn Độ, ở Biển Đông, tàu hải cảnh Trung Quốc đã châm chìm tàu cá Việt Nam. Trung Quốc cũng cử tàu quấy rối hoạt động của một tàu khảo sát Malaysia. Hải quân Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị tập trận chiếm đảo gần Đài Loan và sắp tới sẽ là cuộc tập trận tại Biển Đông.

Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh việc thông qua dự luật an ninh mới đối với Hồng Kông, bất chất việc bị Mỹ, Đài Loan chỉ trích.

Binh sĩ Ấn Độ – Trung Quốc tại khu vực biên giới (ảnh: News in Asia)

“Dù là ở Biển Đông hay dọc biên giới Ấn Độ, chúng tôi ngày càng ghi nhận nhiều những hành động khiêu khích và quấy rối của Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về cách họ sử dụng sức mạnh của mình”, Alice Wells, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Trung – Nam Á, nhận xét.

Một báo cáo mới đây của Ủy ban kinh tế và an ninh Mỹ cho biết, Trung Quốc đang lợi dụng thời điểm thế giới mất cảnh giác khi phải đối phó với Covid-19 để gia tăng ảnh hưởng.

Taylor Fravel – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) – nhận định: Trung Quốc có thể đang “cảm thấy lo lắng về việc nhiều nước nghĩ họ đã suy yếu sau sự tấn công của dịch bệnh”, nên họ đẩy mạnh những hành động củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng sau những động thái leo thang căng thẳng khu vực biên giới Trung – Ấn.

“Chúng tôi đã thông báo cho cả Ấn Độ và Trung Quốc rằng Mỹ sẵn sàng đứng ra hòa giải tranh chấp biên giới giữa hai nước”, ông Trump đăng trên Twitter.

Theo New Delhi, Trung Quốc ngày càng “đi quá xa” khi nhiều lần cho binh sĩ xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ đào công sự và lập doanh trại. Bloomberg dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho hay, Trung Quốc đã điều 5.000 binh sĩ và xe bọc thép tới khu vực biên giới và Ấn Độ cũng có hành động đáp trả tương đương.

Ấn Độ cho rằng, những hành động xâm phạm gần đây của binh sĩ Trung Quốc không phải tự phát mà “được lên kế hoạch và có phối hợp”.

“Trung Quốc gần đây đã thực hiện nhiều hành động cản trở các cuộc tuần tra thông thường của Ấn Độ. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh Ấn Độ”, Anurag Srivastava – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ – tuyên bố.

Trung Quốc không còn e dè Mỹ sau những căng thẳng gần đây, theo bà Bonnie Glaser (ảnh: Washington Post)

Theo bà Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), việc Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn gần đây có thể xuất phát từ căng thẳng với Mỹ.

“Căng thẳng với Mỹ có thể khiến Trung Quốc trở nên thiếu kiềm chế hơn trong những hành động của họ. Trong nhiều năm, việc giữ gìn mối quan hệ ổn định với Mỹ đã là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc và điều này cũng góp phần hạn chế các hành động hung hăng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc và Mỹ liên tục xảy ra tranh chấp về thương mại, công nghệ, cũng như những chỉ trích về sự bùng phát của dịch bệnh từ phía chính quyền ông Trump. Điều này khiến Trung Quốc dường như từ bỏ hy vọng giữ mối quan hệ ổn định với Mỹ.

Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, biên giới với Ấn Độ và vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cho thấy Bắc Kinh ngày càng ít quan tâm và e ngại phản ứng của Mỹ đối với những quyết định của họ”, bà Bonnie Glaser nhận định.

Vương Nam/DV

Đọc nhiều