Vì sao thế lực thù địch điên cuồng chống phá về vụ cháy Rạng Đông?
Nếu như các vụ việc, vấn đề xảy ra có ảnh hưởng lớn tới người dân được chính quyền vào cuộc xử lý rốt ráo, tuyên truyền tốt thì các thế lực thù địch dù ra sức kích động cũng khó có thể bẻ cong sự thật.
Trong báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây có chi tiết rất đáng chú ý.
Theo người đứng đầu ngành Công an, qua công tác nắm tình hình cho thấy, các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá; triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị nhạy cảm, vụ việc gây bức xúc dư luận để kêu gọi, phát động biểu tình, nhằm gây rối an ninh, trật tự.
“An ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Như vậy có thể thấy không gian mạng là phương tiện, còn những sự kiện, vụ việc gây bức xúc là “miếng mồi” để các đối tượng chống đối sử dụng nhằm gây nhiễu loạn, bất ổn. Nếu như không gian mạng là thế giới ảo khó kiểm soát thì việc xử lý tốt những vụ việc dễ gây bức xúc khi nó xảy ra có lẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn chuyện bị lợi dụng xuyên tạc, kích động. Đây cũng là thể hiện trách nhiệm của chính quyền với người dân.
Đơn cử như vụ việc được rất nhiều người dân quan tâm hiện nay đó là vấn đề môi trường sau vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Có thể thấy chưa bao giờ một vụ việc mà lại có những thông tin khác nhau, thậm chí là trái ngược khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.
Đầu tiên là việc UBND phường Hạ Đình ra văn bản cảnh báo nguy hiểm, nhưng văn bản này đã nhanh chóng bị thu hồi vì “ban hành trái thẩm quyền, gây hoang mang dư luận”. Tiếp đó, TP Hà Nội cùng các cơ quan chuyên môn cử người xuống đo chỉ số quan trắc môi trường, và nhanh chóng thông báo “an toàn”. Nhưng ngay sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho biết, chưa có kết quả, đồng thời cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm hóa chất sau vụ cháy.
Đúng một tuần sau vụ cháy, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ (4/9), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, trong vụ cháy Công ty Rạng Đông có khoảng 15,1 đến 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường. Vị Thứ trưởng này cũng cảnh báo, sự cố hỏa hoạn này mất an toàn về hóa chất và môi trường.
Sau thông tin trên, lãnh đạo Công ty Rạng Đông đã phải xin lỗi vì đã dối trá và thừa nhận có 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thủy ngân lỏng, không phải hợp chất Amalgam ít gây ô nhiễm như công ty đã thông tin trước đó.
Trên thực tế có không ít người dân sống quanh khu vực Công ty Rạng Đông đã phải sơ tán đi nơi khác vì lo ngại ảnh hưởng sức khỏe; nhiều người phải đi khám sức khỏe khẩn cấp; nhiều phụ huynh không dám cho con tới trường; đường phố vắng vẻ. Thế nhưng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại nói, người dân ở đó không có bức xúc gì. Dư luận không khỏi băn khoăn về câu nói này của người đứng đầu chính quyền Thủ đô.
Sự việc này đã nhận được chỉ đạo của Thủ tướng và hai Phó Thủ tướng. Đến ngày 12/9, Binh chủng Hóa học của Quân đội đã về Công ty Rạng Đông tiến hành tẩy độc hiện trường và khu vực xung quanh. Đây có lẽ là việc làm được người dân mong chờ nhất và phần nào giúp người dân ở khu vực gần Công ty yên tâm trở lại với cuộc sống bình thường.
Nhưng, liên quan đến vụ cháy Rạng Đông chưa phải như vậy đã đến hồi kết, sẽ còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Đến nay nhìn lại toàn bộ vụ việc điều đáng nói nhất chính là việc thông tin bất nhất, thậm chí gian dối dẫn tới nhiễu loạn làm người dân hoang mang, mà thông tin đó lại từ các cơ quan chức năng chứ không phải do “các thế lực thù địch” như lẽ thường vẫn thấy.
Quay trở lại với cảnh báo của Chính phủ, “các tổ chức phản động, phần tử chống đối triệt để lợi dụng vụ việc gây bức xúc dư luận để kêu gọi, phát động biểu tình, nhằm gây rối an ninh, trật tự”, nếu như sự việc dễ gây bức xúc xảy ra, chính quyền xử lý như trường hợp vụ cháy Công ty Rạng Đông thì dễ trở thành “miếng mồi” cho các thế lực thù địch nhắm tới.
Thực tế, xung quanh vụ việc này cũng đã từng xuất hiện những thông tin kiểu “chắc có lợi ích nhóm ở đây nên chính quyền mới ém nhẹm thông tin”. Rồi thậm chí, ngay trên một tờ báo chính thống cũng đã đặt ra câu hỏi: Nhà máy Rạng Đông bị cháy hay “cố tình” bị cháy? Việc “cố tình bị cháy” có phải nhằm mục đích để được di dời nhà máy, chuyển đổi khu đất vàng Rạng Đông thành khu chung cư cao cấp để thu lợi…
Tất cả những thông tin trên dù chỉ mang tính suy luận, võ đoán, chưa có cơ sở để kiểm chứng nhưng ít nhiều cũng gây ra sự hoài nghi trong dư luận xã hội. Giá như trong vụ việc này, các cơ quan có chức năng, đặc biệt là chính quyền Hà Nội có trách nhiệm hơn, phản ứng kịp thời, thông tin đầy đủ hơn về vụ việc nghiêm trọng này, chắc chắn sự cố Rạng Đông sẽ không bị đẩy đi quá xa như hiện nay.
(Theo Lương Kết/Dân Việt)