Vì sao tài xế xe ôm, xe grab ở TP.HCM không được nhận hỗ trợ từ gói 886 tỷ đồng?
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa trả lời về chế độ hỗ trợ thuộc gói 886 tỷ đồng mà HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp thứ nhất vừa qua.
Đáng chú ý, gói hỗ trợ này sẽ được UBND TP.HCM cho triển khai gấp trong 3 tuần, những đối tượng thuộc diện nhận hỗ trợ đã được quy định rất cụ thể. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc vì sao xe ôm, tài xế grab không được nhận hỗ trợ trong đợt này?
Ngày 4/7, trả lời PV, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, việc chi gói hỗ trợ 886 tỷ đồng sẽ được thực hiện khẩn cấp trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, đối với nhóm lao động tự do như xe ôm, grab thì không thuộc diện được hỗ trợ.
“Đối với nhóm lao đông tự do là xe ôm, xe grab thì TP.HCM không có chính sách hỗ trợ. Vì trong đợt dịch này xe ôm, xe grab vẫn hoạt động bình thường”, ông Tấn nói.
Ông Tấn cũng nhấn mạnh, những người được nhận hỗ trợ từ gói 886 tỷ đồng này của thành phố “không cần làm thủ tục”. Trong 5 ngày làm việc, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện thẩm định, quyết định hỗ trợ và thực hiện chi hỗ trợ cho người lao động.
“Thủ tục đợt này làm đơn giản và nhanh gọn. Nghĩa là người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 không cần làm đơn, trách nhiệm của UBND phường, xã… phải làm hết cho bà con để người dân được nhận tiền sớm. Đối với công nhân thì chủ công ty phải có trách nhiệm lập danh sách cho cơ quan chức năng.
Sau đó, UBND xã, phường, thị trấn rà soát, xét duyệt và niêm yết danh sách công khai người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Nếu chính quyền địa phương, đơn vị nào xác nhận đối tượng hỗ trợ sai thì phải chịu trách nhiệm”, ông Tấn cho biết thêm.
Riêng với những người nằm trong nhiều nhóm được hỗ trợ thì sẽ chọn chế độ hỗ trợ cao nhất, không chi trùng người được hỗ trợ.
Đối tượng, điều kiện, chính sách hỗ trợ
Hỗ trợ tiền ăn cho người đang thực hiện cách ly y tế theo quy định tại điểm b, khoản 5, điều 1, Nghị quyết số 16 của chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số đặc thù trong phòng, chống dịch. Mức chi: 80.000 đồng/người/ngày. Số người dự kiến được hỗ trợ: 10.000 người/ngày.
Hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia công tác phòng chống dịch là đối tượng tại khoản 5, điều 2 Nghị quyết số 16 của Chính phủ và các lực lượng trực tiếp khác. Mức chi: 120.000 đồng/người/ngày. Số người dự kiến được hỗ trợ: 10.000 người/ngày.
Hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người lao động/lần đối với 2 đối tượng người lao động tại các doanh nghiệp; các cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT; cơ sở giáo dục dạy nghề dân lập, tư thục tại TP.HCM. Cụ thể:
Trong đó, người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên, từ ngày 1/5 – 31/12/2021 và đang tham gia đóng BHXH bắt buộc trước khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương… Số người dự kiến được hỗ trợ: 80.000 người. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người dự kiến được hỗ trợ: 20.000 người.
Riêng đối tượng người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người hoặc người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người là mẹ hoặc cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.
Hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc do dịch COVID-19, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19. Số người dự kiến được hỗ trợ: 230.000 người.
Hỗ trợ hộ kinh doanh thành lập theo pháp luật doanh nghiệp (trừ hộ cho thuê nhà và mặt bằng) dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP.HCM để kiểm soát dịch COVID-19. Áp dụng cho khu vực thực hiện Chỉ thị 16, trên địa bàn quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) và các khu vực khác theo chỉ đạo cụ thể của UBND TP.HCM. Mức chi: 2 triệu đồng/lần/hộ kinh doanh. Số lượng hộ dự kiến: 10.000 hộ.
Hỗ trợ 50% giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đối với thương nhân tại các chợ truyền thống có điểm kinh doanh quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ, có mã số thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
Cụ thể, hỗ trợ 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng đối với chợ hạng 1; chợ hạng 2 là 210.000 đồng/tháng; chợ hạng 3 là 150.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ 6 tháng (từ tháng 7 – 12/2021). Số lượng điểm kinh doanh được hỗ trợ: 59.976 điểm. Trường hợp thương nhân đã được hỗ trợ tại quy định hỗ trợ cho hộ kinh doanh thì không áp dụng mức hỗ trợ này.
Trâm Anh