8
category
406225

“Vì sao rừng cháy hết, lửa mới được dập tắt”?

03/07/2020 07:11

Việc triển khai các biện pháp chống cháy rừng ở Hà Tĩnh những ngày qua cho thấy hiệu quả không cao, công tác chỉ đạo, điều hành còn nhiều lúng túng.

Sau 3 ngày 2 đêm chống chọi với lửa rừng, đến chiều 1/7 đám cháy rừng tại huyện Hương Sơn được khống chế. Về số liệu thiệt hại chưa được cơ quan chức năng thống kê cụ thể, thế nhưng diện tích rừng bị cháy là rất lớn.

Việc triển khai các biện pháp chống cháy rừng ở Hà Tĩnh những ngày qua cho thấy hiệu quả không cao, công tác chỉ đạo, điều hành còn nhiều lúng túng.

Điều đáng nói là, mặc dù lực lượng chữa cháy rừng đã được huy động và vất vả trong việc chống chọi với giặc lửa, thế nhưng, sau nhiều ngày trực tiếp có mặt tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy, việc triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng ở đây hiệu quả không cao; công tác chỉ đạo, điều hành còn nhiều lúng túng.

Có nơi có lúc, lực lượng chữa cháy phải chấp nhận rút lui, đảm bảo an toàn. Và kết quả là “cháy hết rừng, lửa được dập tắt”.

Còn nhớ cách đây đúng tròn 1 năm, ngày 28/7/2019 lửa rừng đã bùng phát thiêu trụi cánh rừng thông nhiều năm tuổi tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sau gần 1 tuần giành giật với “giặc lửa”, hàng nghìn người tham gia chữa cháy mới khống chế được đám cháy.

Thế nhưng, hậu quả là khoảng 200 héc ta rừng đã bị thiêu trụi. Riêng tại dãy núi Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, thiệt hại gần 100ha rừng thông. Đây được xem là một thất bại trong công tác phòng chống cháy rừng.

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho rằng, mặc dù đã rút kinh nghiệm vụ cháy năm trước và có phương án phòng chống cháy rừng rất cụ thể nhưng phương án chưa đi liền với thực tiễn.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã rút kinh nghiệm những năm trước, chỉ đạo, lập phương án đối với từng khu vực rừng dễ cháy để có sự phân công chi tiết. Phân công lực lượng, đồng thời lập chốt, nhưng tùy quy mô cháy đã cân đối lượng lượng và sử dụng các phương tiện. Nhưng tùy tình hình, từng khu rừng vì nhiều nơi thực bì dày thì cưa xăng cũng không ý nghĩa gì cả”, ông Huấn nói.

Đúng 1 năm sau, lửa rừng lại bùng phát ở dãy núi Mồng gà, huyện Hương Sơn, quy mô và mức độ giữ dội không kém. Chỉ trong vòng 3 ngày, 2 đêm dọc dãy núi Mồng gà từ màu xanh của rừng bị lửa rừng thiêu trụi, phủ một màu xám xịt. Trưa ngày 30/6, đúng thời điểm lửa rừng dữ dội nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã áp sát điểm cháy, tìm phương án, thế nhưng các lực lượng báo cáo tình hình rất khó khăn: “Phải huy trên 1.000 người, bên kia quá đông nhưng thực bì dày, không tiếp cận được, mà kể cả máy cũng không thổi được vì lửa hất trở lại. Chúng tôi chỉ chờ thời cơ gió bùng thì người lùi ra và khi giảm thì ào vào thổi, nhưng hiệu quả không cao vì cháy quá lớn, rất khó. Tưởng chừng như làm chủ được rồi thì gió lớn lại bùng phát”.

Ngoài yếu tố khách quan, cũng cần nhấn mạnh là Hà Tĩnh có phần chủ quan trong công tác chữa cháy và chỉ đạo phương án chữa cháy rừng lần này. Trưa ngày 30/6 nghĩa là 2 ngày sau khi lửa xuất hiện trên dãy núi Mồng gà, chúng tôi chứng kiến lửa rừng bùng phát dữ dội tại địa phận xã Sơn Trà, nhưng lực lượng được huy động lại rất mỏng và lẻ tẻ.

Đáng nói hơn, ở đây có sự chủ quan trong công tác điều hành, chỉ đạo. 8 giờ sáng ngày 30/6, khi lửa rừng tạm thời được khống chế, các lực lượng đã đồng loạt rút quân xuống núi, rời vị trí, vì thế đến khoảng 10 giờ trưa cùng ngày lửa bùng phát trở lại, lực lượng không kịp trở tay và lần bùng phát trở lại thứ 2 này – lửa rừng có cường độ và phạm vi rộng lớn hơn.

Có mặt tại hiện trường vụ cháy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, “Một nhóm lửa nếu phát hiện lúc đầu, một cành cây có thể dập được, nhưng nếu cháy thành đại ngàn thì vạn người cũng khó xử lý, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay”.

“Đúng là xảy ra cháy lớn là khó xử lý, nhưng chúng ta có lực lương con người, tất nhiêu khi cháy lớn phải bảo vệ con người, tài sản lên trên hết và trong tình huống đó thì chúng ta phải làm đường băng, chấp nhận hy sinh ít rừng để bảo đảm an toàn khi cháy lớn không thể nào bằng lực lượng con người và phương tiện thủ công đối mặt với lửa rừng được. Và như thế cũng không có sức lực nào mà ngăn chặn được, hiệu quả nhất vẫn là đường băng cản lửa”, ông Tuấn nói.

Chúng tôi cũng xin được nói thêm, dãy núi Mồng gà chạy dài và có hình gộp rùa, ven 2 bên triền núi có người dân sinh sống. Đám cháy khởi phát từ địa phận xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, sau đó lan sang khu vực thôn 4, xã Sơn Long và khu vực giáp ranh xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn.

Câu hỏi được đặt ra: Tại sao sau nhiều ngày phát hiện lửa cháy, Hà Tĩnh không làm nổi đường băng cản lửa trong khi hình gộp rùa của núi Mồng gà có nhiều điểm cắt và đất đồi trọc, chúng tôi đề cập ở phần tiếp theo.

Sỹ Đức/VOV

Đọc nhiều