Vì sao quốc tế đặt niềm tin vào kinh tế Việt Nam?

Huy Hoàng 22/07/2023 08:00

Mặc dù hứng chịu nhiều cơn bão ngược khiến tình hình kinh tế trong nước có phần ảm đạm. Thế nhưng, Việt Nam vẫn được nhiều chuyên gia nước ngoài đặt niềm tin về tăng trưởng. Trong đó, một chuyên gia người Mỹ còn cho rằng, “Vị thế tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuận lợi hơn so với các nước châu Á”.


Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen (phải)và Thủ tướng Phạm Minh Chính

6 tháng cuối năm kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi

Nhận định trên là của Giáo sư Edmund Malesky, ông là giảng viên kinh tế chính trị đồng thời là Giám đốc Trung tâm Phát triển quốc tế của Đại học Duke (Mỹ) và cũng là chuyên gia nổi tiếng về phát triển kinh tế, thể chế và kinh tế chính trị tại Việt Nam. Trong buổi làm việc ngày 5/7, ông nói: “Tôi nghĩ sẽ hợp lý khi nói rằng Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để tăng trưởng kinh tế trong tương lai so với các nước châu Á khác.”

Hay mới đây nhất, hôm 18/7 ông Paulo Medas – Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết ông rất lạc quan về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm, bất chấp suy thoái ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày một rõ ràng hơn.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao trong tình hình đầy khó khăn, các nhà kinh tế vẫn lạc quan về kinh tế Việt Nam?

Ổn định giữa những thách thức

Mặc dù vẫn khó khăn nhưng nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi. Bằng chứng là việc Mỹ đang cố gắng nối lại quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Bên cạnh đó chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed cũng sắp kết thúc và các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2024. Xung đột thương mại hạ nhiệt và chu kỳ thắt chặt sắp đi đến hồi kết đã phát đi tín hiệu kinh tế thế giới sắp chạm đáy.

Và với sự nỗ lực giữ ổn định nền kinh tế từ năm 2020 đến nay. Cùng với đó là chính sách tiền tệ đã mạnh tay nới lỏng cho vay sản xuất. Tạo điều kiện khi kinh tế thế giới phục hồi, kinh tế Việt Nam sẽ có thể bắt nhịp với tốc độ rất nhanh.

Tâm điểm trong dòng chảy thương mại mới

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ từ tháng 1 đến tháng 5/2023 đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 169 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Mexico của Mỹ tăng lên 195 tỷ USD, từ Canada tăng lên 176 tỷ USD. Cùng với đó, các quốc gia Đông Nam Á cũng tăng cường xuất khẩu vào Mỹ. Nhập khẩu của Mỹ từ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng vọt lên 124 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay – con số lớn thứ hai từ trước đến nay cho giai đoạn này.

Những số liệu trên cho thấy Trung Quốc đã mất vị trí là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023 – lần đầu tiên trong 15 năm qua. Nó cũng chứng minh Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đang tiến hành sắp xếp lại mạng lưới chuỗi cung ứng của mình.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam chính là điểm đến của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Bên cạnh đó nước ta còn có vai trò vai trò quan trọng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, do trữ lượng đất hiếm thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Việt Nam sẽ là nguồn cung cấp quan trọng cho ngành công nghệ Mỹ. Đây không chỉ là động lực để kéo các doanh nghiệp Mỹ lại gần Việt Nam mà còn là cửa ngõ để thêm nhiều doanh nghiệp Việt bước ra sân chơi toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao với những đối tác hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đến Việt Nam thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ.

Cú hích từ FDI Trung Quốc

Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm nay, cả nước có hơn 1.290 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số doanh nghiệp đến từ Trung Quốc chiếm 18% tổng số dự án FDI mới được cấp phép trong nửa đầu năm nay.

Bức tranh về thu hút đầu tư nước ngoài nửa đầu năm nay đã cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Họ đã vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore… để dẫn đầu số dự án đầu tư vào Việt Nam.

South China Morning Post dẫn lời một doanh nhân Trung Quốc cho biết rằng: “Nếu chỉ xét về vấn đề năng lực sản xuất thì chúng tôi sẽ không phải xây nhà máy mới ở Việt Nam, nhưng ở góc độ địa chính trị, chúng tôi buộc phải làm vậy. Các khách hàng Mỹ đã thúc giục chúng tôi dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Vì họ cam kết sẽ đặt đơn hàng từ Việt Nam, nên chúng tôi quyết định đến quốc gia này”.


Một công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất phụ tùng động cơ ô tô của Công ty Weichai Power ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ – Trung Quốc dù đã có một vài dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng tác động từ những xung đột trong lịch sử vẫn là không thể đảo ngược. Do đó xu hướng FDI Trung Quốc tìm đến Việt Nam là một xu hướng dài hạn. FDI từ nền kinh tế số 2 thế giới sẽ là cú hích để phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, khi dòng vốn được giải ngân sẽ tạo thêm nhiều việc làm, thu được các loại thuế vào ngân sách… Cú hích này góp phần giúp nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam phần nào đỡ đau đầu trong việc kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên cần rà soát và chọn lọc dự án để tránh các doanh nghiệp Trung Quốc “mượn” sản xuất Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ.

Như vậy có thể thấy bức tranh kinh tế Việt Nam về dài hạn là tích cực. Kinh tế Việt Nam không gặp vấn đề căn cơ như Trung Quốc (xung đột chính trị với Mỹ, di chứng nặng nề từ lệnh phong tỏa covid-19,…) mà chỉ là hứng chịu những cơn gió ngược trong một giai đoạn của chu kỳ kinh tế, đây là một giai đoạn bình thường đối với mọi quốc gia.

Huy Hoàng

Đọc nhiều