8
category
360975

Vì sao phải xin “giãn nợ” Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông?

08/02/2020 17:38

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa làm xong đã phải trả nợ. Việc đề xuất gia hạn thời gian trả nợ gốc nhằm hạn chế các vướng mắc có thể xảy ra, tránh phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm 2020.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc.  Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên  cao, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã “lỡ hẹn” vận hành khai thác trong 3 năm qua và đến nay chưa xác định được ngày hoàn thành dự án.

Trong khi đó, diễn biến dịch bênh Corona tại Trung Quốc lây lan khiến các lao động Trung Quốc thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa thể trở lại Việt Nam để tiếp tục triển khai, hoàn thiện công trình.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trả nợ gốc khoản vay lại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Bộ GTVT nêu rõ, theo cơ chế tài chính của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng, cho tới khi thoàn thành và bàn giao cho UBND TP. Hà Nội và UBND TP. Hà Nội nhận nợ trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án khi dự án được bàn giao từ Bộ GTVT.

Vì sao phải xin “giãn nợ” Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông? - 1
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa làm xong đã phải trả nợ (ảnh: Toàn Vũ)

Theo Bộ GTVT, với cơ chế tài chính như trên, Bộ này đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỷ đồng cho hạng mục trả nợ gốc phần vốn vay lại cho tới khi bàn giao dự án cho UBND TP.Hà Nội. Hiện đã trả nợ gốc cho Trung Quốc với tổng số tiền 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư còn lại là 1,957 tỷ đồng.

Với tình hình khó khăn thực tế của dự án hiện nay, Bộ GTVT cho rằng có thể phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại trong các kỳ trả nợ tiếp theo. Để duy trì việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn, hạn chế các vướng mắc phát sinh, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án.

Trường hợp không được Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ về thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các hiệp định vay đã ký.

Hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc nêu rõ việc trả nợ gốc được thực hiện theo kỳ hạn. Do quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, chưa xác định được chính xác thời gian hoàn thành nên chưa xác định được thời điểm bàn giao dự án và nợ vay cho UBND TP. Hà Nội.

Bộ GTVT cho hay, việc đề xuất gia hạn thời hạn trả nợ gốc nhằm hạn chế các vướng mắc có thể xảy ra, tránh phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm 2020. Đây là vấn đề thủ tục của dự án trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ, không gây phát sinh chi phí dự án.

Được biết, kỳ trả nợ gốc phần vốn vay gần nhất là ngày 21/1/2020. Nếu dự án không được gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn vay lại hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo Hiệp định vay, dự kiến dự án phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 152,709 tỷ đồng.

Liên quan đến việc trả nợ vốn vay dự án, ngày 21/1/2020, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 100 giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để nợ gốc Hiệp định vay 250 triệu USD của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tuy nhiên, sau khi Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước có ý kiến thẩm tra kế hoạch trên, thông báo chi tiết thì mới có thể tiến hành giải ngân.

Châu Như Quỳnh/DT

Đọc nhiều