128036
category
427921

Vì sao ông Nguyễn Đức Chung không phải có mặt tại tòa xử vụ Đồng Tâm?

Đặng Trường 08/09/2020 20:40

Ngày hôm qua, phiên xét xử 29 bị cáo trong vụ “Giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội” đã chính thức diễn ra. Trong quá trình xét xử, một luật sư đề nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung, tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, ông Chung không trực tiếp liên quan đến vụ án nên không cần thiết phải triệu tập.

Ông Nguyễn Đức Chung đã xuống Đồng Tâm để đối thoại trong vụ người dân bắt giữ hàng chục con tin là cán bộ, công an hồi tháng 4/2017.

Cần phải phân định rõ ràng, vụ Đồng Tâm có 3 giai đoạn diễn ra tiếp nối nhau: Giai đoạn đầu tiên diễn ra từ gần chục năm về trước khi một số người Đồng Tâm chiếm giữ trái phép đất quốc phòng đồng Sênh; Giai đoạn 2 diễn ra vụ gây rối trật tự công cộng vào năm 2017; Giai đoạn 3 là vụ giết người và chống người thi hành công vụ diễn ra vào ngày 9/1/2020.

Như đã biết, năm 2013, ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập cái gọi là “tổ Đồng Thuận” gồm 19 thành viên. Ngoài ông Lê Đình Kình, còn 5 đối tượng chủ mưu cầm đầu, trong đó 3 đối tượng có quan hệ dòng họ với ông Kình (Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh), 40 đối tượng quá khích và số người ủng hộ hoạt động của “Tổ đồng thuận”. Số này chủ yếu là con, cháu ông Kình và người nhà chủ mưu, tuyên truyền “sẽ được hưởng lợi nếu đòi được đất đồng Sênh, được Nhà nước đền bù hoặc bán với giá là 6 triệu đồng/m2” để lôi kéo những người dân không có quyền lợi, nghĩa vụ trên đất đồng Sênh tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Đến ngày 30/3/2017, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng”, sau đó bắt giữ 4 đối tượng. Đồng thời, Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ”“vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”. Ngay sau đó, một số người dân xã Đồng Tâm đã tập trung đông người bao vây, không cho xe của các lực lượng ra khỏi xã Đồng Tâm, đập phá 5 xe gồm 1 xe chở quân, 3 xe ô tô, 1 xe cứu thương, bắt giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an TP.Hà Nội tại Nhà văn hóa thôn Hoành. Nhóm Lê Đình Kình cầm đầu tăng cường thêm lực lượng, chuẩn bị gậy gộc, xẻng, xăng sẵn sàng chống trả khi lực lượng chức năng tổ chức phương án giải cứu cán bộ bị bắt giữ. Mặc cho lãnh đạo thành phố đã trực tiếp tuyên truyền, vận động quần chúng, nhưng một số đối tượng không hợp tác, ném đá, làm một số cán bộ, chiến sĩ công an bị thương. Chính thời điểm này, trên cương vị là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống đối thoại và ký bản cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự với toàn thể nhân dân Đồng Tâm về hành vi bắt giữ hàng chục con tin là cán bộ, chiến sỹ công an.

Thư tay cam kết của ông Nguyễn Đức Chung.

Không phủ nhận, việc giải quyết vụ gây rối trật tự công cộng ở khu vực đồng Sênh, xã Đồng Tâm có vai trò của ông Nguyễn Đức Chung. Ở đây, chúng ta không bàn đến việc ông Chung làm đúng hay sai. Chỉ thấy một điều, thời điểm ấy, ông Chung đang làm Chủ tịch TP. Hà Nội, thuộc cơ quan hành pháp nhưng ông lại làm thay việc của cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, câu chuyện đó đã diễn ra cách đây 3 năm, liên quan đến việc giải quyết vấn đề gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, giải cứu các chiến sỹ công an đang là con tin của nhóm người Lê Đình Kình chứ chẳng hề liên quan đến hành vi khủng bố của nhóm người Lê Đình Kình hay sự việc tranh chấp đất đai với Bộ Quốc phòng.

Còn đầu năm nay, nhóm người Lê Đình Kình nhiều lần tổ chức cuộc họp bàn cách chống đối, chỉ đạo “nếu chưa làm rõ được nguồn gốc đất thì kẻ nào mà nhảy vào cướp sẽ cho “trắng lưng, ngửa bụng”. Khi lực lượng Quân đội thi công tường rào sân bay Miếu Môn, các đối tượng công khai ráo riết chuẩn bị hung khí, vũ khí, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng. Biết lực lượng chức năng triển khai các tổ công tác tại xã Đồng Tâm, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã rất manh động, chúng dùng “bom xăng”, pháo sáng, lựu đạn (ném 3 quả lựu đạn, 1 quả nổ, 2 quả không nổ), tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, gạch đá tấn công quyết liệt lực lượng chức năng, sau đó rút về cố thủ tại nhà ông Lê Đình Kình, Lê Đình Chức và nóc nhà Lê Đình Hợi; khi thấy 3 đồng chí Công an bị ngã từ mái nhà trong quá trình tiếp cận nhà Kình, Lê Đình Doanh châm lửa vào chậu xăng đẩy xuống nơi 3 chiến sỹ công an bị ngã xuống, tiếp đó Lê Đình Chức liên tiếp đổ 3 – 5 chậu xăng xuống, dẫn đến 3 chiến sĩ Công an hy sinh. Qua quá trình điều tra, chứng minh hành vi phạm tội, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố và ngày 05/6/2020 đã kết luận điều tra vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội”.

Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh Tòa hình sự bác đề nghị triệu tập ông Nguyễn Đức Chung.

Vì vậy, phiên tòa hiện tại là đang xét xử 29 bị cáo trong vụ “Giết người, chống người thi hành công vụ” vào ngày 9/1/2020 để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và cũng lấy lại công bằng cho 3 chiến sỹ công an hy sinh, chứ không phải xét xử vụ án tranh chấp, chiếm giữ trái phép đất quốc phòng hay vụ gây rối trật tự công cộng năm 2017. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu lý do vì sao Hội đồng xét xử trả lời đề nghị của luật sư là ông Nguyễn Đức Chung không hề liên quan đến việc này. Nếu truy cứu trách nhiệm của ông Chung về hành động ký bản cam kết thì việc đó sẽ ở một phiên tòa khác.

Hiện nay, một số đối tượng chống phá, kể cả một vài vị luật sư cũng muốn gộp chung 3 giai đoạn của vụ việc Đồng Tâm này, làm sai lệch bản chất của phiên tòa xét xử vụ “Giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội”, nhằm muốn đổ vấy tội lỗi lên chính quyền thành phố, kích động lòng dân hoang mang. Nhưng có vẻ như âm mưu của các đối tượng và các vị luật sư đã bị Chủ tọa chặn đứng ngay lập tức.

Đặng Trường 

Đọc nhiều