Vì sao Nam Phi ban bố tình trạng thảm họa toàn quốc?
Nam Phi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng chưa từng thấy. Việc chính phủ tuyên bố tình trạng thảm họa liệu có thể xoa dịu tình hình?
Ngày 9/2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố tình trạng thảm họa toàn quốc để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng chưa từng có.
Người dân nước này đang phải đối mặt với tình trạng mất điện hàng ngày, ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng biện pháp khẩn cấp của chính phủ liệu có thể tạo ra sự khác biệt?
Tình hình tồi tệ đến mức nào?
Tại thị trấn Soweto, thành phố Johannesburg, ông Thando Makhubu, chủ xưởng kem Soweto Creamery đang phải vật lộn để bảo quản những cây kem của mình trong bối cảnh giảm tải điện liên tục.
“Thật khủng khiếp”, ông Makhubu nói với BBC. “Nhiều lúc tôi còn phải dùng tiền lãi của mình để tiếp tục kinh doanh”.
Ông Makhubu lo sợ khách hàng có thể ngừng đến xưởng kem: “Có những khách hàng cho rằng chúng tôi đã đóng cửa vì giảm tải điện. Tôi thực sự lo lắng rằng nếu tình trạng giảm tải trở nên tồi tệ hơn, mọi người sẽ không đến mua kem nữa”.
Xưởng kem của ông Makhubu chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu năng lượng ở Nam Phi. Thực trạng này đã dẫn đến các cuộc biểu tình, nơi người dân hô vang “quá đủ rồi”.
Trên thực tế, khủng hoảng điện không phải là điều mới mẻ ở Nam Phi. Thực trạng này đã diễn ra được 15 năm.
Công ty điện lực nhà nước Eskom – đang nợ khoảng 26 tỷ USD – đang vật lộn với tình trạng cơ sở hạ tầng cũ kỹ, các nhà máy điện không hoạt động bình thường, chưa kể một cuộc đình công gần đây đã làm tê liệt công ty.
Đến những tháng gần đây, tình trạng thiếu điện leo thang nhanh chóng. Người dân Nam Phi phải chống chọi với việc bị cắt điện trong 288 ngày vào năm 2022, trong khi năm nay mất điện tới 15 giờ mỗi ngày.
Tại sao tuyên bố tình trạng thảm họa?
Áp lực đang ngày càng gia tăng đối với Tổng thống Cyril Ramaphosa. Trong một bài phát biểu hôm 9/2, vị tổng thống cho biết: “Chúng ta phải hành động để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng đối với nông dân, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng nước, mạng lưới giao thông và các cơ sở vật chất khác hỗ trợ cuộc sống của người dân”.
Trước đám đông vỗ tay, ông tuyên bố: “Do đó, chính phủ tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia để đối phó với cuộc khủng hoảng điện và ảnh hưởng”.
Tổng thống Ramaphosa cho biết việc ban bố tình trạng thảm họa sẽ cho phép chính phủ thực hiện các biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và chuỗi cung ứng bán lẻ.
“Việc ban bố tình trạng thảm họa cũng sẽ giúp các cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện và nhà máy xử lý nước được bảo vệ khỏi những đợt cắt điện, đồng thời đẩy nhanh tốc độ xây dựng những dự án sản xuất điện năng, giảm thiểu những quy định và thủ tục”, ông nói.
Chính phủ có thể làm gì?
Tình trạng thảm họa đồng nghĩa với việc chính phủ được trao thêm quyền hạn để giải quyết khủng hoảng với ít các thủ tục hành chính và quy định hơn, đồng thời được bổ sung nguồn quỹ. Trước đó, tình trạng thảm họa cũng đã được áp dụng tại Nam Phi trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Một số cá nhân đã lợi dụng tình trạng này để trục lợi.
Vào năm 2020, Tổng Kiểm toán quốc gia Nam Phi khi đó cho biết ông đã phát hiện “những điều đáng sợ” về việc tài trợ quá mức và khả năng gian lận trong việc sử dụng quỹ cứu trợ Covid-19, bao gồm việc một số thiết bị bảo hộ cá nhân được mua với giá cao gấp 5 lần so với giá mà kho bạc quốc gia khuyến nghị.
Chính phủ đã phản ứng bằng cách yêu cầu những người bị buộc tội tham nhũng từ chức và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật. Lần này, Tổng thống Ramaphosa đã lường trước được nguy cơ tham nhũng và cho biết các biện pháp sẽ được đưa ra để ngăn chặn điều này. Ông cũng bổ nhiệm một bộ trưởng điện lực để “chịu trách nhiệm giám sát tất cả các khía cạnh của việc ứng phó với khủng hoảng điện”.
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại rằng lạm quyền có thể xảy ra trong tình trạng hiện nay. Bà Siviwe Gwarube, người đứng đầu Liên minh Dân chủ đối lập, nói với News24 của Nam Phi: “Tình trạng thảm họa trao quyền tự do cho cơ quan hành pháp, quốc hội sẽ không có quyền giám sát đối với một số cơ quan hành pháp tham gia vào quá trình giải quyết khủng hoảng”.
“Và quan trọng hơn, nó cho phép các cơ quan chính phủ có thể tiến hành quy trình mua sắm theo ý muốn”, bà nói thêm.
Tình hình liệu có thay đổi?
Nhiều người cho rằng biện pháp khẩn cấp sẽ không tạo ra sự khác biệt nào và tổng thống đã không hành động đủ quyết đoán.
Tiến sĩ Nthabiseng Moleko, nhà kinh tế phát triển từ Trường Kinh doanh Stellenbosch, nói với kênh tin tức SABC của Nam Phi: “Những gì đất nước cần vào thời điểm này là một kế hoạch hành động được chuẩn bị kĩ lưỡng, quyết đoán với các mốc thời gian, mục tiêu và báo cáo tiến độ cụ thể”.
“Có vẻ như những giải pháp mà chúng ta đang có sẽ không mang lại bất kỳ kết quả nào nhằm thay đổi đường hướng mà đất nước đang đi”, bà nói.
Trước đó, Tổng thống Nam Phi đã vạch ra các kế hoạch để đất nước tiếp tục chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, bao gồm việc triển khai lắp đặt pin năng lượng Mặt Trời.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nam Phi phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than cũ kỹ để sản xuất hầu hết điện năng của mình. Năm 2020, chỉ 7% năng lượng của nước này đến từ các nguồn tái tạo.
Bảo Trâm