Vì sao Mỹ phải liên tục “đánh đòn” Trung Quốc?

Lan Hoa 16/08/2023 14:24

Thời gian vừa qua, Mỹ đã liên tục ban bố các sắc lệnh hạn chế trong lĩnh vực công nghệ đối với Trung Quốc nhằm ngăn chặn quốc gia này tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Điều này khiến không ít giới chuyên gia đặt ra câu hỏi “Vì sao Mỹ phải liên tục đánh đòn Trung Quốc như vậy ?”

Tổng thống Joe Biden

Mới đây nhất, hôm 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh về việc hạn chế đầu tư vào công nghệ cao tại Trung Quốc. Theo đó, sắc lệnh cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực gồm chất bán dẫn và vi điện tử; công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Trong thư gửi Quốc hội Mỹ, ông Joe Biden cho biết, ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với mối đe dọa từ những nước như Trung Quốc trong việc phát triển các công nghệ nhạy cảm và sản phẩm quan trọng trong các lĩnh vực quân sự, tình báo, giám sát và năng lực mạng. Sắc lệnh này nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ, giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.

Động thái của chính quyền Joe Biden được cho là sẽ khiến căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù giới chức Mỹ cho rằng các hạn chế này nhằm ứng phó với các rủi ro an ninh quốc gia và không nhằm phân tách hai nền kinh tế hoàn toàn độc lập.

Đáng nói, vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền Biden cũng đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm kiểm soát xuất khẩu mới và ngăn Trung Quốc mua nhiều loại chip bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên khắp thế giới. Theo đó, các công ty ở mọi nơi trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm có công nghệ Mỹ. Nếu muốn, họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt.

Còn vào hồi đầu năm 2022, các hãng sản xuất máy móc và công cụ hàng đầu ở Mỹ như KLA Corp, Lam Research và Applied Materials đã được yêu cầu ngừng cung cấp thiết bị cho các nhà máy Trung Quốc chuyên chế tạo chip bán dẫn tiên tiến. Đây được coi là thay đổi lớn nhất trong chính sách xuất khẩu công nghệ của Mỹ đối với Trung Quốc kể từ thập niên 1990. Điều này vô tình đã mở rộng đáng kể nỗ lực bóp nghẹt ngành bán dẫn và cản trở đà phát triển công nghệ của Trung Quốc, buộc các công ty ở Mỹ và nước ngoài có sử dụng công nghệ Mỹ phải chấm dứt hỗ trợ những hãng thiết kế và sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc.

Trước đó nữa, vào năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã liệt Huawei vào danh sách đen về thương mại, đồng thời cấm tập đoàn này làm ăn với các công ty Mỹ nếu không có sự phê chuẩn của chính quyền Mỹ. Sang đến năm 2020, Mỹ đưa ra lệnh cấm cắt đứt nguồn cung chip cho Huawei. Lệnh cấm được xem là cú đánh mạnh vào ngành kinh doanh điện thoại thông minh cốt lõi của Huawei, vốn dựa nhiều vào những con chip tiên tiến được tạo ra nhờ công nghệ Mỹ.

Vậy lý do vì sao mà Mỹ phải liên tục áp đặt các biện pháp hạn chế mạnh tay đối với công nghệ của Trung Quốc như vậy ?

Theo các chuyên gia phân tích, sau khi tiếp quản Nhà Trắng, chính quyền Biden về cơ bản tiếp vẫn nối tiếp di sản mà chính quyền Trump để lại trong quan hệ với Trung Quốc khi giữ nguyên các mức thuế trừng phạt áp đặt đối với sản phẩm thép, gia tăng hạn chế về công nghệ và dự kiến cấm sử dụng TikTok.

Còn lý do mà Mỹ đưa ra khi liên tục tung loạt đòn trừng phạt đối với Trung Quốc là để bảo vệ “an ninh quốc gia”. Trên thực tế, rủi ro về an ninh từ lâu đã chi phối phần lớn chính sách kinh tế của Chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc, và Mỹ thường coi đó là lý do để hành động chống lại Trung Quốc trên mọi mặt trận. Thậm chí, Mỹ còn tìm kiếm sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu trong các thỏa thuận về nguyên liệu thô quan trọng để thực hiện triệt để mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, có thể thấy, đòn trừng phạt trên lĩnh vực công nghệ chỉ là yếu tố bề ngoài, còn nguyên nhân sâu xa là do Mỹ muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và giữ vững vai trò thống trị của mình.

Điều này được thể hiện rõ trong Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ từng nhấn mạnh rằng, mục tiêu chiến lược bao trùm của Mỹ là duy trì quyền bá chủ và “sự lãnh đạo tối cao” trên toàn cầu. Để làm được điều này, Mỹ quyết tâm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời xác định Trung Quốc là đối thủ chính, là “thách thức địa chính trị lớn nhất” đối với vị thế của nước Mỹ.

Tương tự, khi được hỏi, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng nhấn mạnh các hành động của Mỹ “được thúc đẩy chỉ bởi những lo ngại về an ninh và các giá trị của Mỹ”. Mỹ muốn kiểm soát Trung Quốc, khiến nước này tụt lại phía sau và bị Mỹ bỏ xa về công nghệ.

Lan Hoa

Đọc nhiều