Vì sao Liên Xô, sau này là Nga, luôn đứng đầu thế giới về phòng không?

03/01/2021 10:14

Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng không quân của Mỹ và các đồng minh NATO đã phải giải bài toán khó: phát triển các phương tiện đủ năng lực thâm nhập mạng lưới phòng không ngày càng dày đặc và tinh vi của các nước khối Hiệp ước Warsaw, đặc biệt trên đất Liên Xô, theo Military Watch.

Vì sao Liên Xô, sau này là Nga, luôn đứng đầu thế giới về phòng không?

Quân đội Mỹ đã đầu tư phát triển một số phương tiện để vượt qua các hệ thống phòng thủ hiện đại, thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật và chiến lược nhằm vào lãnh thổ Liên Xô.

Trong khi đó, Liên Xô cũng đầu tư rất nhiều vào việc liên tục hiện đại hóa hệ thống phòng thủ.

Mạng lưới phòng không của Liên Xô vào đầu những năm 1980 đã triển khai một loạt các hệ thống có ít đối thủ trên toàn thế giới, bao gồm các biến thể đầu tiên của hệ thống phòng không S-300 cơ động cao và hệ thống S-200 tầm xa nhưng kém cơ động hơn nhưng có thể giao tranh với máy bay địch cách xa tới 300km.

Những hệ thống này được bổ trợ bởi một loạt các hệ thống phòng không tầm ngắn hơn như nền tảng chống tên lửa hành trình Tor-M1 và hệ thống phòng thủ tầm trung BuK-M1.

Trong số các chiến lược mà Mỹ sử dụng để thâm nhập là điều một đội máy bay ném bom siêu âm lớn được tối ưu hóa cho các hoạt động ở độ cao rất thấp – cụ thể là loại B-1B Lancer.

Máy bay bay thấp sẽ khiến đối phương khó theo dõi và vô hiệu hóa bằng hệ thống phòng không tầm xa, và khó ngay cả với các máy bay đánh chặn thời kỳ đầu của Liên Xô thiếu khả năng tác chiến tầm thấp.

Điều này rất khác với chiến lược của những năm đầu Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ tìm cách triển khai máy bay ném bom B-70 đắt hơn nhiều so với B-1, cực nhanh với tốc độ Mach 3 và có thể phát động các cuộc tấn công hạt nhân từ độ cao rất lớn – một phương pháp bị hạn chế do Liên Xô phát triển hệ thống phòng thủ được tối ưu hóa cho mục tiêu ở độ cao lớn.

Việc Liên Xô củng cố mạng lưới phòng không và triển khai các tên lửa vác vai đất đối không hạng nhẹ, vốn được tối ưu hóa tốt để tiêu diệt các máy bay bay thấp, đã làm giảm khả năng tồn tại của chiến lược được xây dựng xung quanh máy bay ném bom bay thấp B-1B.

Một khả năng khác là dựa vào máy bay trực thăng tấn công được trang bị các biện pháp đối phó tác chiến điện tử tiên tiến để vô hiệu hóa các khẩu đội phòng không và các radar liên quan của chúng từ độ cao thấp, mặc dù điều này có những hạn chế nghiêm trọng vì tính dễ bị tổn thương của trực thăng khi vào sâu lãnh thổ Khối Hiệp ước Warsaw.

Sử dụng máy bay tàng hình là một khả năng khác, nhưng sức mạnh của mạng lưới radar Liên Xô và việc sử dụng nhiều hệ thống bao gồm một số hệ thống có bước sóng rất dài có nghĩa là máy bay phản lực tàng hình sẽ không thể bất khả xâm phạm trong chiến đấu.

Được cho là chiến lược “cùn” nhất của Mỹ nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Liên Xô, là sử dụng các máy bay ném bom chiến lược B-52 cũ kỹ trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật để hủy diệt hệ thống phòng không đối phương bằng các cuộc tấn công quy mô và không cân xứng.

Máy bay B-52 lần đầu tiên bay vào những năm 1950, không có năng lực siêu âm cũng như tàng hình. Máy bay được đánh giá cao về tầm bay xa, nhưng không thể bay đặc biệt cao hoặc thấp, nghĩa là khả năng phòng thủ thực sự duy nhất của nó là các hệ thống tác chiến điện tử.

Ngay cả khi đối đầu với các hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam, vốn cũ kỹ so với các hệ thống phòng không ở Liên Xô và có mật độ tương đối thấp, B-52 đã bị tổn thất đáng kể trong chiến đấu.

Tuy nhiên, để đối phó với hệ thống phòng không của Liên Xô, B-52 được hỗ trợ bởi bệ phóng tên lửa tấn công tầm ngắn AGM-69 SRAM. Tên lửa này được đưa vào trang bị vào năm 1972, vào thời điểm mà B-52 ngày càng bị coi là lỗi thời, với hơn 1500 tên lửa được chế tạo trong vòng 4 năm.

Mỗi quả có giá hơn nửa triệu đô la, khiến nó trở thành một trong những tên lửa đắt nhất thời bấy giờ.

Tên lửa có tầm bắn 200km, cho phép nó đánh bật mọi hệ thống phòng không của Liên Xô ngoài các biến thể S-200 tiên tiến nhất, mang đầu đạn hạt nhân 17 kiloton hoặc 210 kiloton. (Quả bom thả xuống thành phố Nagasaki có công suất 25 kiloton).

Công suất của các đầu đạn AGM-69 phần lớn đã bù đắp cho việc thiếu chính xác, bởi mỗi đầu đạn có độ chính xác trong phạm vi 430 mét, nghĩa là bất cứ thứ gì thiếu đầu đạn hạt nhân sẽ khó đánh trúng mục tiêu phi chiến lược.

Với hàng chục chiếc B-52 dự kiến được triển khai và mỗi chiếc triển khai một số đầu đạn, hỏa lực nhắm vào các địa điểm phòng không của Liên Xô sẽ thực sự vô cùng lớn.

Nhưng rồi mỏ quýt dày có móng tay nhọn. Đặt ra mối đe dọa hàng đầu đối với máy bay ném bom Mỹ, là máy bay đánh chặn hạng nặng MiG-31 Foxhound của Liên Xô. Máy bay được đưa vào trang bị từ năm 1981, có cảm biến cực mạnh.

Chúng được tối ưu hóa để đánh chặn tên lửa hành trình, máy bay ném bom ở tầm xa bằng cách sử dụng tên lửa không đối không R-33.

Foxhound sau này được trang bị tên lửa không đối không R-37 mang đầu đạn rất lớn và có tầm bắn 400 km. Những tiến bộ gần đây trong hệ thống phòng không của Nga tiếp tục đặt ra thách thức đối với các máy bay ném bom Mỹ bao gồm việc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 và S-300V4.

Chúng được tối ưu hóa tốt để vô hiệu hóa các máy bay như B-52 và B-1B ở tầm cực xa. Cả hai hệ thống đều có phạm vi phát hiện khoảng 600 km và phạm vi tác chiến là 400 km.

Hệ thống tên lửa S-500 sắp tới của Nga dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2021 có tầm hoạt động hơn 600km và tầm phát hiện thậm chí xa hơn, đồng thời chuyên sâu hơn trong việc vô hiệu hóa các mục tiêu có giá trị cao như máy bay ném bom chiến lược.

Anh Minh

Đọc nhiều