Vì sao lãi suất tiền gửi tăng mạnh kể cả khi NHNN đã bơm tiền?

Huy Hoàng 27/11/2022 14:36

Ngày 22/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm tiền qua thị trường mở với khối lượng gần gấp đôi so với ngày trước đó. 10 thành viên đã trúng thầu hơn 11.315 tỉ đồng, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6%/năm. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng lên cao. Có nơi lên đến 11%/năm.

Lãi suất huy động ngân hàng liên tục tăng, hiện nay có nơi đã lên đến 11%/năm.

Giải thích cho sự việc này, chúng ta cần liên hệ đến nhu cầu mua sắm dịp cuối năm. Vì một lượng lớn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện đang bị đọng ở lại bất động sản, trong khi mùa mua sắm cuối năm đang tới gần. Người dân Việt Nam lại có thói quen dùng tiền mặt, nên do đó sẽ có xu hướng rút tiền mặt ra để chi tiêu. Do đó, khi thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng, NHNN sẽ bơm tiền qua thị trường mở, còn NHTM thì tiếp tục nâng lãi suất tiền gửi, tất cả là nhằm đảm bảo thanh khoản cho người dân khi đi rút tiền tiêu xài. Việc rút/bơm tiền của NHNN cũng như nâng mạnh lãi suất tiền gửi của các NHTM là những động thái bình thường nhằm đảm bảo thanh khoản cho nhu cầu sử dụng tiền mặt trong dân của hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống Tổ chức tín dụng. Cho thấy, sau khi giảm 2 tháng liên tiếp vào tháng 7 và tháng 8, thì lượng tiền gửi đã tăng trở lại, thêm hơn 106.000 tỷ đồng trong tháng 9. Cụ thể, tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức kinh tế tăng tăng mạnh thêm gần 105.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng và đạt 5,78 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170.000 tỷ của 2 tháng trước đó. Trong khi năm 2023 đang tới gần, đồng nghĩa các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng của năm mới. Người dân và doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu tín dụng rất cao, mà theo ghi nhận thì tốc độ tăng trưởng tiền gửi hiện vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Do đó, việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi vừa qua còn là nhằm đảm bảo có đủ thanh khoản để các NHTM điều tiết việc cho vay trong những lĩnh vực chủ chốt. Trong đó có cho vay tiêu dùng dịp cuối năm cũng như cho vay sản xuất kinh doanh. Qua đó cũng sẽ tạm thời khỏa lấp được lượng vốn hiện đang bị trì trệ ở bất động sản.

Nhìn chung, với những động thái đang diễn ra trên thị trường, đều có chung mục đích là nhằm có đủ thanh khoản để cung ứng cho nền kinh tế. Mặc dù cũng như nhiều nước khác, thị trường bất động sản Việt Nam đang trở nên trầm lắng, gây khó khăn cho việc thu hồi vốn của các NHTM. Song, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang làm rất tốt, linh hoạt để đảm bảo thanh khoản cho mọi nhu cầu chi tiêu, vay vốn của người dân, doanh nghiệp.

Sự linh hoạt như trên còn giúp nền kinh tế Việt Nam vững vàng trong dài hạn. Cụ thể, các ngân hàng Việt Nam còn đang phấn đấu để nâng mức xếp hạng từ chuẩn Basel II lên Basel III. Khác với Basel II chỉ chú trọng quản trị rủi ro, Basel III còn yêu cầu các ngân hàng phải nắm giữ lượng vốn cao hơn và với chất lượng cao hơn, nhằm đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn tiền để vượt qua khủng hoảng khi nó xảy ra. Các tiêu chuẩn của Basel III không chỉ tính toán ở thời điểm hiện tại, mà còn cả những dự đoán cho tương lai và quan trọng hơn cả là không chỉ ở tình trạng bình thường mà có tính trước đến mọi tình huống khó khăn. Hiện Việt Nam có 20 ngân hàng được công nhận đạt chuẩn Basel II. Và một vài ngân hàng trong số đó đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị để hướng tới Basel III. Do đó, đảm bảo thanh khoản trong hệ thống ngân hàng là bước đệm không thể thiếu để các ngân hàng đạt đến chuẩn Basel III, từ đó tạo dựng một uy tín tốt cho Việt Nam, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định, Bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế

Mặt khác, áp lực lên thanh khoản ngân hàng cũng sẽ giảm bớt trong năm 2023, nhất là khi mùa mua sắm qua đi, thêm nữa là Chính phủ đang thúc đẩy chi tiêu không dùng tiền mặt, người dân cũng không còn thói quen tích trữ tiền mặt. Khi căng thẳng thanh khoản giảm bớt sẽ tạo điều kiện cho năm 2023 trở thành thời điểm lý tưởng để các NHTM chạy đua thu hồi nợ xấu từ bất động sản, lấy lại dòng vốn cho vay ngắn hạn.

Theo dự báo thì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã giảm từ 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 và sẽ tiếp tục xuống mức 30% từ ngày 1/10/2023. Việc thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo và có chiều hướng tốt dần theo thời gian sẽ cho chúng ta thấy được sự ổn định, vững chắc của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Và chúng ta thấy được thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ thấy. Nỗ lực của chính phủ đang là làm sao để Việt Nam một bức tranh kinh tế tăng trưởng và ổn định. Trong bối cảnh các nước rối loạn vì chính sách tiền tệ không đủ kiên quyết, để lạm phát lan rộng cộng thêm suy thoái toàn cầu, nền kinh tế của họ sẽ mất rất lâu để phục hồi. Nên ngay khi các xu hướng đảo chiều xuất hiện như Trung Quốc mở cửa trở lại, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) ngừng tăng lãi suất,… dòng vốn đầu tư ngoại sẽ tìm ngay đến Việt Nam, vì họ thấy sự vững vàng của chúng ta. Nền kinh tế tăng trưởng và một hệ thống ngân hàng vững vàng sẽ giúp họ yên tâm mà đổ vốn vào thị trường Việt Nam. Do đó, nhìn rộng ra, thì việc hút/bơm tiền của NHNN trong nhiều tháng qua còn là nhắm hướng tới cả hai mục tiêu ngắn và dài hạn trên.

Huy Hoàng

Đọc nhiều