Vì sao khắp nơi ở Trung Quốc đang nhắc tới cái tên Khổng Ất Kỷ
Nền kinh tế phục hồi không đồng đều sau đại dịch và cơ cấu công việc không cân bằng đang khiến hàng triệu thanh niên Trung Quốc mất việc dù có trình độ cao và bằng cấp nước ngoài.
Tốt nghiệp thạc sĩ ngôn ngữ học ứng dụng tại một trong những trường đại học hàng đầu của Australia, Ingrid Xie không ngờ mình lại phải làm việc trong một cửa hàng tạp hóa. Nhưng đó chính là nơi cô tới sau khi tốt nghiệp Đại học Queensland vào tháng 7/2022.
Cô Xie đã tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc với tấm bằng cử nhân Đại học Đại dương Nhiệt đới Hải Nam. Cô ra nước ngoài học thạc sĩ với hy vọng tìm được một công việc tốt hơn, theo Guardian.
Sau khi làm việc tại một siêu thị Hàn Quốc ở Brisbane trong vài tháng sau khi tốt nghiệp, cô quyết định trở về quê nhà Côn Minh, tỉnh Vân Nam để tìm việc giáo viên tiếng Anh.
Xie sớm phát hiện ra rằng “rất nhiều người đã học ở nước ngoài và muốn điều tương tự”. Cô cho biết một người bạn ở cùng thành phố gần đây đã tham dự một bài kiểm tra tuyển dụng giáo viên tiếng Anh cùng khoảng 100 người khác. Tuy nhiên, bạn cô không đạt đủ điểm tuyển dụng.
Cạnh tranh gay gắt
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục vào tháng 4 với khoảng 20,4% lao động ở độ tuổi 16 đến 24 không tìm được việc làm. Cô Xie năm nay 26 tuổi nhưng vẫn chưa tìm được việc kể từ khi tốt nghiệp thạc sĩ.
“Tôi thực sự thất vọng”, cô nói.
Gần 11,6 triệu sinh viên Trung Quốc sẽ tốt nghiệp vào tháng 6, nhưng phải đối mặt với thị trường việc làm rất khắc nghiệt.
Vấn đề thanh niên trình độ cao thất nghiệp đã trở nên nghiêm trọng đến mức nhiều người bắt đầu thấy mình giống như Khổng Ất Kỷ, một nhân vật hư cấu trong truyện ngắn của Lỗ Tấn. Khổng Ất Kỷ là một học giả lỗi thời trở thành ăn xin, bị tầng lớp bình dân biến thành trò cười vì lúc nào cũng tỏ ra nghiêm nghị.
Truyền thông đã chỉ trích lối so sánh này, cho rằng thanh niên Trung Quốc tự nuông chiều bản thân. Một bài bình luận trên truyền thông vào tháng 3 cho rằng thanh niên “không sẵn sàng làm những công việc lương thấp hơn mong đợi”.
Nền kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng chênh lệnh giữa trình độ người tìm việc và yêu cầu của công việc có sẵn. Goldman Sách ước tính từ năm 2018 đến năm 2021, số lượng sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp chuyên ngành thể thao và giáo dục đã tăng hơn 20%.
Nhưng vào năm 2021, giới chức trách Trung Quốc đột ngột cấm dạy thêm, làm suy yếu một ngành công nghiệp trước đây trị giá đến 150 tỷ USD. Điều đó đã giảm bớt gánh nặng bài tập về nhà cho học sinh, nhưng lại ảnh hưởng đến việc làm của những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, bao gồm cô Xie. Cô trước đây coi việc dạy kèm như một cách để nâng cao kinh nghiệm giảng dạy.
Nền kinh tế số hai thế giới cũng phải đối mặt với tình trạng phân bổ việc làm không đồng đều về mặt địa lý. Xie đã thấy nhiều quảng cáo việc làm yêu cầu giáo viên phải làm việc ở trường học nông thôn trong vòng một năm.
“Tôi không thích việc giảng dạy ở nông thôn vì rất khó tồn tại trong môi trường đó, đặc biệt là với các cô gái”, cô nói.
Trình độ cao vẫn thất nghiệp
Eric Fish, tác giả của một cuốn sách về thế hệ trẻ Trung Quốc, cho rằng giá trị của bằng cấp quốc tế đã giảm trong thị trường việc làm Trung Quốc.
“Một số nhà tuyển dụng nghĩ rằng sinh viên có thể đã đặt quá nhiều kỳ vọng hoặc quá nghiêng sang phương Tây”, ông nhận định.
Giới chức trách Trung Quốc đã nhận ra vấn đề và công bố một loạt chính sách vào tháng 4 để kích thích thị trường việc làm, bao gồm trợ cấp cho các công ty thuê sinh viên tốt nghiệp đại học. Chính phủ muốn các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tuyển dụng 1 triệu thực tập sinh trong năm 2023, đặt mục tiêu tạo ra 12 triệu việc làm ở đô thị trong năm nay.
Trung Quốc cũng bãi bỏ việc sử dụng giấy chứng nhận lao động, vốn được sử dụng trong nhiều thập kỷ để chấp thuận chuyển sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học sang công ty.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất phải vật lộn để tái cân bằng sau tác động của đại dịch Covid-19. Các nhà nghiên cứu tại Goldman Sachs lưu ý rằng vào năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở một số nước châu Âu là hơn 20%, trong khi ở Mỹ là gần 10%.
Tình trạng khan hiếm việc làm khiến thanh niên Trung Quốc phải nhận bất kỳ công việc nào dù muốn hay không. Hiện cô Xie đã bỏ việc để dành nhiều thời gian với bố mẹ và chăm sóc chú mèo cưng.
“Bạn thậm chí không biết bản thân muốn làm gì khi 25 tuổi. Tôi muốn tìm kiếm không gian riêng tư, cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhưng không thể”, cô nói.
Tuấn Đạt