Vì sao giá điện chỉ tăng mà không giảm?
Biểu tính giá điện hiện nay không hợp lý, kể cả dự thảo thay thế quyết định 28 chưa giải quyết được bức xúc tiền điện sinh hoạt người dân phải nộp.
Ngày 7/9, tại cuộc họp của Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã diễn ra phiên giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Tại phiên họp này, các nội dung liên quan đến tình hình thực hiện quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và phương phướng, kế hoạch thực hiện lập Quy hoạch điện VIII của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá điện bán lẻ… được đưa ra phân tích, thảo luận.
Về vấn đề điều chỉnh giá điện, ông Hoàng Quang Hàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho hay, từ 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện, 9 lần điều chỉnh này đều là điều chỉnh tăng, chưa bao giờ điều chỉnh giảm. Có thời điểm người dân được hỗ trợ giảm tiền điện phải nộp do kinh tế khó khăn áp dụng trong thời gian ngắn như dịch Covid-19 vừa qua, không phải giảm giá bán lẻ điện.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương chưa nỗ lực hết mình trong việc giảm giá thành điện để giảm giá bán, nhiều yếu tố giảm giá thành điện chưa được quyết liệt thực hiện, biểu tính giá điện hiện nay không hợp lý, kể cả dự thảo thay thế quyết định 28 chưa giải quyết được bức xúc tiền điện sinh hoạt phải nộp. Bên cạnh đó, cách tính giá điện ngoài sinh hoạt bất cập, người dân phải bù giá điện cho sản xuất.
Cũng theo ông Hàm, giá điện mặt trời hiện nay rất hấp dẫn nên đầu tư điện mặt trời phát triển nhanh nhưng chưa minh bạch cơ sở tính giá, chưa so sánh giá của Việt Nam với khu vực, thế giới, chưa tính khả năng giảm giá, mức có thể giảm để định hướng tỷ trọng phát triển điện mặt trời so với các loại nguồn điện khác nhằm có giá bán điện thấp nhất. Ngoài ra, cơ chế phân phối nguyên liệu khí cho điện khí và cơ chế cấp QC mua điện của EVN không công bằng, thiếu tính cạnh tranh, không phù hợp với cơ chế thị trường cũng là nguyên nhân đẩy giá bán điện lên cao.
“Giá chỉ có thể hợp lý khi cung, cầu cân đối. Tuy nhiên 4 năm qua (giai đoạn 2016-2020), nhiều dự án bị chậm tiến độ; công suất các dự án có thể vận hành chỉ đạt 72% qui hoạch của giai đoạn. Đây là nguyên nhân không giảm được giá điện”, ông Hoàng Quang Hàm nêu ý kiến.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, hầu hết các lình xình về điện những năm qua đều liên quan đến giá. Đặc biệt, thời gian gần đây, dư luận sục sôi về biểu giá điện bậc thang, tốn rất nhiều thời gian chỉnh qua, sửa lại, từ 6 bậc xuống 1 bậc, rồi lại quay về 5 bậc, là một sự tiêu tốn sức lực, sai địa chỉ.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, việc ban hành giá điện mặt trời cố định và rất cao như hiện nay là một điều cần đặt câu hỏi, bởi theo quy định của Luật Điện lực, Luật Giá và sự phân công của Chính phủ thì Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm phê duyệt khung giá phát điện và các bên mua bán điện theo hợp đồng có thời hạn được quyền thỏa thuận trong khung giá.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành 4 quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện gió, mặt trời tại Việt Nam, đều quy định mức giá cụ thể cố định cho 1 kWh và chỉ định cho EVN thực hiện mua trong thời hạn 20 năm. Quy định trên đã vi phạm điểm a và b khoản 1 Điều 10 của Luật Giá và Luật Điện lực…
Với những “lình xình” này, đại biểu Sinh mong muốn, buổi giải trình đi đến một kết quả lớn hơn, là giúp những người có trách nhiệm không tiêu tốn thời gian vào những cãi vã nhầm lẫn mà lờ đi một thực tại là việc điều hành đang khiến cho Việt Nam đối mặt với một “cái chết được báo trước” – nguy cơ thiếu điện nhãn tiền ngay trong 1 – 2 năm tới đây./.
Chung Thủy/ VOV