130115
topics
543404

Vì sao F0 cộng đồng tại TP HCM tăng đột biến?

18/08/2021 20:03

Sở Y tế lý giải số ca nhiễm cộng đồng tăng trở lại do TP HCM tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để bóc tách tất cả F0, song nhiều chuyên gia cho rằng “vì người dân chưa triệt để tuân thủ giãn cách”.

Theo Cổng thông tin Covid-19 TP HCM, ngày 17/8 thành phố ghi nhận 3.559 ca nhiễm, trong đó 2.568 ca cộng đồng, chiếm 72%. Hôm trước, thành phố ghi nhận 3.341 ca thì hơn 53% phát hiện trong cộng đồng. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết địa bàn, như hôm qua 11 quận huyện (Hóc Môn, Bình Thạnh, quận 3, Tân Bình…) có tỷ lệ ca cộng đồng đến 80-90% số ca nhiễm.

Nguyên nhân số ca nhiễm cộng đồng tăng cao dù TP HCM đang giãn cách xã hội, Sở Y tế chiều 18/8 cho rằng, thành phố đang thực hiện xét nghiệm “có trọng tâm trọng điểm” nhằm phát hiện kịp thời F0 để điều trị; thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh”. Theo đó, từ ngày 15/8 đến 22/8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao. Thành phố sẽ tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các F0 nên số ca nhiễm có thể tăng nhẹ.

Số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) ghi nhận, từ ngày 13 đến 17/8, tổng số ca nhiễm hàng ngày tại TP HCM có chiều hướng đi ngang (dưới 4.000 ca một ngày), tăng vào hai ngày 14/8 và 15/8 (trên 4.000 ca) sau đó giảm trở lại vào ngày 16/8 và 17/8 (3.300-3.500 ca).

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng TP HCM tận dụng một tháng giãn cách để tăng xét nghiệm, kiên quyết tìm ra F0 trong khu phong tỏa, cách ly lẫn trong cộng đồng. Nếu phát hiện nhiều F0, quản lý điều trị tại nhà tốt, sẽ giảm tải cho cơ sở y tế cũng như đảm bảo an toàn cho người mắc Covid-19. “Số lượng F0 cộng đồng tăng có thể khiến người dân hơi lo ngại, song đây là thực tế và ngành y tế sẽ làm đến cùng để phát hiện tất cả trường hợp nhiễm”, ông Sơn nói.

Ùn tắc chốt kiểm soát Covid-19 trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh do kiểm tra thông tin khai báo qua ứng dụng giám sát di chuyển nội địa, ngày 15/8/2021. Ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress
Ùn tắc tại chốt kiểm soát Covid-19 trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, do kiểm tra thông tin khai báo qua ứng dụng giám sát di chuyển nội địa, ngày 15/8.

F0 trong cộng đồng vừa phát hiện những ngày qua chủ yếu tập trung ở những nơi có mật độ dân số cao, hẻm nhỏ, khu dãy nhà san sát nhau, nơi tập trung đông dân cư. Điển hình, quận 1 ghi nhận ổ dịch ở khu vực Chợ Gà là nơi người dân sống đông đúc. Theo đó, nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân F0 cộng đồng tăng là người dân chưa tuân thủ triệt để giãn cách, chưa đảm bảo 5K trong gia đình, khu trọ…

Bác sĩ Trần Văn Khanh (Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Điều trị Covid-19) dẫn thống kê của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, xe trên các tuyến đường những ngày gần đây tăng cao đột biến so với trước. Việc người dân vẫn ra ngoài đông, một số khu vực nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1) và bác sĩ Calvin Q Trinh (Bệnh viện 1A) đều cho rằng thành phố chỉ mới đang giãn cách giữa quận này với quận khác, phường này với phường kia, còn trong một khu nhà trọ, một con hẻm, một gia đình thì người dân rất khó tuân thủ 5K và giãn cách. Chính việc chưa tuân thủ triệt để này là nguyên nhân khiến số ca nhiễm trong cộng đồng tăng.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng, tổng số ca nhiễm so với cuối tháng 7 vẫn có xu hướng giảm. Số ca nhiễm trong cộng đồng vừa phát hiện vốn là F1, F0 tự theo dõi cách ly tại nhà trong thời gian qua. Ngoài ra, người dân cũng chủ động xét nghiệm nhanh, liên hệ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nên sớm phát hiện ca nhiễm.

Về việc người dân ra đường đông, theo ông Huy, có thể một số người vẫn còn tâm lý chủ quan, một số khác vì cạn tiền dự trữ cần đi làm kiếm tiền, tìm thực phẩm thuốc men. “Lãnh đạo thành phố cần thăm hỏi để tìm cách khắc phục, đảm bảo người dân không thiếu ăn, chỗ ở và có chính sách hỗ trợ bằng tiền, lương thực, thực phẩm… để hạn chế họ ra đường”, ông Nga nói.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 17/8 đề nghị TP HCM lưu tâm 5 điểm trọng yếu chống dịch, bao gồm: thực hiện nghiêm giãn cách là cơ bản, quan trọng và quyết định; an sinh xã hội là trọng yếu và thường xuyên; xét nghiệm là then chốt; giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; vaccine là chiến lược lâu dài.

Lê Phương 

Đọc nhiều