Vì sao đến giờ mới khai trừ Đảng cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa?

07/12/2020 08:37

Vi phạm của bà Thoa thuộc một trong những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ, do đó không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa

Ban Bí thư họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Uỷ viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Thoa có những vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng tại Dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và có kết luận điều tra đề nghị truy tố bà Thoa trong vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tháng 7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn với bà Thoa.

Cùng với những sai phạm trên, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, bà Thoa đã bỏ sinh hoạt đảng và xuất cảnh ra nước ngoài từ năm 2018.

Qua xem xét đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kết luận vi phạm của bà Thoa là rất nghiêm trọng. Căn cứ quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Thoa.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng

Giải đáp băn khoăn cho rằng, vì sao hồi tháng 5/2017, bà Thoa từng bị thi hành kỷ luật cảnh cáo, đồng thời bị miễn nhiệm các chức vụ, nhưng chưa bị khai trừ Đảng, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng, thời điểm đó qua xem xét thì các sai phạm của bà Thoa theo quy định của Đảng mới chỉ ở mức độ cảnh cáo. Còn đến bây giờ khai trừ Đảng là bởi vì trong quá trình cơ quan điều tra làm việc, xác định bà này có hành vi vi phạm pháp luật nên ra quyết định khởi tố (tháng 7/2020), đến tháng 9/2020 thì ra lệnh truy nã.

“Theo tôi cách xử lý của Đảng ở đây rất nhân văn đối với một nữ lãnh đạo, cũng xem xét xử lý từng bước một để cốt răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh. Nếu bà ấy nhận ra sai phạm, trở về làm người dân bình thường, vẫn là một đảng viên bình thường.

Nếu một người cầu thị, người ta sẽ phấn đấu và vẫn có thể làm tốt những công việc khác, nhưng đằng này lại bỏ đi, không sinh hoạt Đảng, lại bị cơ quan điều tra khởi tố, truy nã thì khai trừ đảng là đương nhiên.

Trường hợp bà ý không bỏ chạy, thì có khi chỉ bị đình chỉ sinh hoạt đảng, để không phải ra tòa trong tư cách là một đảng viên hư hỏng; tuy nhiên tùy vào trường hợp cụ thể, có những người cũng bị khai trừ đảng trước khi ra tòa, nếu họ không còn xứng đáng với tư cách là một đảng viên. Như trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung, các sai phạm đã rõ ràng, đã bị bắt tạm giam để điều tra, thì việc xem xét đề nghị khai trừ đảng với ông này của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới đây là đúng quy định”.

Ông Hùng nêu thêm và cho rằng, câu chuyện cần quan tâm ở đây là làm sao bà ấy có thể bỏ trốn, cơ quan chức năng làm việc đã chặt chẽ chưa?

Được biết, theo Điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn, khai trừ khỏi Đảng là hình thức kỷ luật cao nhất đối với Đảng viên có vi phạm. Theo Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị, đảng viên vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng một trong các lĩnh vực sau sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức khai trừ khỏi Đảng, như vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ; Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Vi phạm các quy định trong đầu tư, xây dựng; Vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng…

Quy định 102 cũng nêu rõ, Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này.

Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

Theo điều 3 của Quy định 102, vi phạm của bà Thoa thuộc một trong những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ, do đó không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng.

PV/VNN

Đọc nhiều