8
category
398033

Vì sao Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng ?

02/06/2020 14:30

Trước khi Dự án mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc đi vào sản xuất, trong các năm 2012-2014, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đạm Hà Bắc có lãi, bảo toàn được vốn chủ sở hữu theo quy định.

Kết luận thanh tra Công ty cổ phần phân đạm và hoá chất Hà Bắc (gọi tắt là Công ty đạm Hà Bắc) của Thanh tra Chính phủ cho biết, tổng chi phí thực hiện Dự án mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc tạm tính (chưa quyết toán) là 401,5 triệu USD và trên 2.079 tỷ đồng, nếu quy đổi chung về USD là 518,333 triệu USD; nếu quy đổi về VND theo tỷ giá tại từng thời điểm giải ngân thì tổng chi phí thực hiện dự án là trên 10.570 tỷ đồng – cao hơn 448 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư quy đổi về VND tại thời điểm phê duyệt dự án.

Qua thanh tra cho thấy, do việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, nhất là về tổng mức đầu tư thiếu căn cứ, cơ sở, vi phạm quy định của pháp luật, làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí sản xuất kinh doanh là nguyên nhân chính dẫn đến dự án bị thua lỗ.

Vì sao Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng ? - 1
Trước khi Dự án mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc đi vào sản xuất, trong các năm 2012-2014, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có lãi, bảo toàn được vốn chủ sở hữu theo quy định.

Khi thực hiện điều chỉnh dự án, Công ty đạm Hà Bắc có phân tích, đánh giá về xu hướng giá than khu vực và thế giới, nhưng từ khi dự án đi vào hoạt động thương mại (tháng 4/2015) giá than tăng cao (năm 2018 tăng 110%, 6 tháng đầu năm 2019 tăng 128%), vượt giới hạn theo thẩm định và theo FS là một trong những nguyên nhân khiến dự án không hiệu quả.

Đến thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, có 25/27 gói thầu đã hoàn thành, còn 2 gói thầu đang thực hiện. Trong 25 gói thầu hoàn thành có 23 gói thầu đã thanh toán xong 100%.

“Công ty đạm Hà Bắc thanh toán xong 100% số tiền cho các nhà thầu của 23 gói thầu hoàn thành khi chưa được kiểm toán để quyết toán dự án, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tài chính”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự án được phê duyệt (điều chỉnh) với tổng mức đầu tư rất lớn nhưng tỷ lệ vốn tự có chỉ chiếm 17,9% tổng mức đầu tư, còn lại là vốn vay dài hạn ngân hàng chiếm 82,1%, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài. Đến hết năm 2016, dự án còn nợ trên 7.276 tỷ đồng, chiếm 98,7% tổng dư nợ vay dài hạn ngân hàng.

Trước khi dự án mở rộng nhà máy đi vào sản xuất, trong các năm 2012-2014, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có lãi, bảo toàn được vốn chủ sở hữu theo quy định. Tuy nhiên sau khi dự án hoàn thành đi vào sản xuất, năm 2015 và năm 2016 công ty thua lỗ, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Công ty lâm vào cảnh mất cân đối dòng tiền, khó khăn về tài chính.

Công ty đạm Hà Bắc liên tục thua lỗ nhiều năm liền; tính đến 30/6/2019, số lỗ luỹ kế là trên 2.887 tỷ đồng.

Thu hồi khoản tiền lớn của doanh nghiệp Trung Quốc

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện, từ năm 2012-2016, Công ty đạm Hà Bắc đầu tư tài chính dài hạn tại Công ty cổ phần hoá chất Hưng Phát Hà Bắc, Công ty cổ phần phân bón Bắc Giang, Công ty cổ phần khí hoá lỏng; mua cổ phần tại Ngân hàng Vietinbank, Công ty tài chính CP Hoá chất Việt Nam. Tuy nhiên hiệu quả không cao, tỷ suất lợi nhuận năm 2012 cao nhất 10,2%, nhưng năm 2014 chỉ là 1,55%.

Về việc cổ phần hoá Công ty TNHH phân đạm và hoá chất Hà Bắc, Tập đoàn Hoá chất chỉ đạo không tổ chức chào bán cổ phần lần 2 là chưa đúng quy định của Bộ Tài chính.

Tập đoàn này có quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ công ty cổ phần, theo đó tập đoàn sở hữu 97,66% là không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng (chỉ sở hữu trên 50% đến dưới 65%).

Tập đoàn Hoá chất cũng chỉ đạo không xử lý khoản lỗ trên 669,7 tỷ đồng là không đúng quy định, không đúng thực trạng của doanh nghiệp, gây khó khăn cho công ty cổ phần và các cổ đông.

Vì sao Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng ? - 2
Hoạt động sản xuất tại Công ty đạm Hà Bắc (Ảnh: CTV).

Đối với các tài sản không cần dùng (không tính vào giá trị doanh nghiệp), Công ty đạm Hà Bắc bàn giao nguyên trạng cho Tập đoàn Hoá chất và đại diện công đoàn công ty. Đến thời điểm thanh tra, Tập đoàn Hoá chất chưa có phương án xử lý; công ty vẫn bảo quản, quản lý, làm phát sinh chi phí.

Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Công ty đạm Hà Bắc xử lý dứt điểm việc thanh, quyết toán Hợp đồng EPC; thực hiện quyết toán chi phí đầu tư Dự án mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo Cục Thuế tỉnh Bắc Giang để xử lý khoản vật tư tiêu hao thực tế vượt định mức kế hoạch năm 2015-2016 là 178,5 tỷ đồng; thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Đồng thời tập trung xử lý, thu hồi các khoản phải thu đã quá hạn đối với Công ty cổ phần Ngũ Hoàn, Trung Quốc (gần 55 tỷ đồng), UBND phường Trần Nguyên Hãn (thành phố Bắc Giang). Đối với khoản tiền tạm ứng nhà thầu Contrexim-Meco còn nợ (trên 5 tỷ đồng) yêu cầu công ty khẩn trương thu hồi dứt điểm, nếu không thu hồi được phải chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo kết luận thanh tra, chịu trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm thuộc về Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, ban lãnh đạo Tổng công ty Hoá chất Việt Nam (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam), người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty đạm Hà Bắc; Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, ban lãnh đạo Công ty đạm Hà Bắc; các đơn vị, phòng, ban, cá nhân liên quan thuộc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam) và Công ty đạm Hà Bắc.

Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành.

Cơ quan thanh tra kiến nghị Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Công ty đạm Hà Bắc theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với những tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan.

Thế Kha/DT

Đọc nhiều