127982
category
527121

Vì sao cần thiết tiêm vắc xin Covid-19 trong đại dịch?

24/06/2021 06:52

Vắc xin là biện pháp chủ động để phòng bệnh truyền nhiễm. Nhờ vắc xin chúng ta đã loại trừ được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từng gây ra đại dịch trên thế giới như đậu mùa, bại liệt…

Điểm tiêm vắc xin Covid-19 tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1,TP.HCM) do Bệnh viện Q.1 phụ trách /// ĐỘC LẬP
Điểm tiêm vắc xin Covid-19 tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1,TP.HCM) do Bệnh viện Q.1 phụ trách

Với Covid-19, vắc xin là vũ khí hữu hiệu để đẩy lùi đại dịch.

Phòng bệnh và ngừa biến chứng nghiêm trọng

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, đến nay vắc xin Covid-19 được đánh giá là biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do bệnh. Vắc xin cũng có hiệu quả trong ngăn ngừa lây nhiễm cho người được tiêm chủng và những người xung quanh. Vắc xin này đã giúp nhiều nước có tỷ lệ bao phủ cao mở cửa trở lại nền kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19, việc sử dụng vắc xin phòng ngừa chủ động ngày càng trở nên cấp bách trên toàn cầu. Các quốc gia đều đang nỗ lực tiếp cận với các nguồn vắc xin cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân.

Vắc xin là một trong những vũ khí hữu hiệu để đẩy lùi đại dịch.

Việt Nam cần ít nhất 70% dân số được tiêm vắc xin

Theo chuyên gia về tiêm chủng, để khống chế dịch Covid-19, cần tạo được miễn dịch cộng đồng đủ lớn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến trong năm 2021 mục tiêu mà khu vực Tây Thái Bình Dương đặt ra là 40% dân số được tiêm chủng vắc xin Covid-19 và hướng tới 80% dân số trong năm 2022 được tiêm đủ mũi vắc xin này.

Tại Việt Nam, ngày 26.2.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó dự kiến mua 150 triệu liều để tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên. “Mục tiêu này của nước ta cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế trong việc ngăn chặn đại dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì sản xuất, phát triển kinh tế”, PGS-TS Dương Thị Hồng chia sẻ.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đặt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng phòng bệnh trong năm nay với việc tổ chức chiến dịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến triển khai từ tháng 7 tới.

PGS Dương Thị Hồng khẳng định: “Vắc xin phòng Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều đã được WHO tiền thẩm định, khuyến cáo, đồng thời được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng, rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc xin khi đưa ra sử dụng”.

“Việc sớm được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là quan trọng để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc xin mà chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm”, PGS Hồng chia sẻ.

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhấn mạnh: “Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân người dân Việt Nam, mà còn là trách nhiệm, vì muốn phòng bệnh thì phải đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là ít nhất 70% dân số phải được tiêm chủng”.

Vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các vắc xin phòng Covid-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60% đến trên 90%.

Vắc xin phòng Covid-19 có tác dụng giảm số người nhiễm vi rút, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số trường hợp phải nhập viện điều trị và tử vong.

(Nguồn: Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia)

Hoàn toàn không có bằng chứng khoa học về việc vắc xin ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, ở nam giới hoặc ở phụ nữ. Bởi vì những gì vắc xin làm là kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại protein hoặc kháng nguyên của tác nhân gây bệnh cụ thể đó (vi rút hoặc vi khuẩn, độc tố). Vì vậy, vắc xin Covid-19 không can thiệp vào hoạt động của các cơ quan sinh sản ở cả nam và nữ, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người được tiêm vắc xin.

(Nguồn: Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia)

Vì sao cần thiết tiêm vắc xin Covid-19 trong đại dịch? - ảnh 1

Liên Châu

Đọc nhiều