Vì sao các cửa hàng xăng dầu kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn bán kiểu nhỏ giọt?
Sau khi tạm lắng xuống, giờ đây, tình trạng các cây xăng bán lẻ đóng cửa không bán hoặc bán hạn chế đã bắt đầu quay trở lại ám ảnh các thành phố lớn, ở 2 miền Nam, Bắc.
Sau chỉ đạo khẩn của Cục Quản lý thị trường yêu cầu Sở Công thương các tỉnh thành phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình, đặc biệt là các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm ngưng bán, thị trường có vẻ đã nề nếp hơn. Tuy vậy, chỉ được vài tuần sau, mọi thứ giờ đây đang có vẻ quay lại tình trạng cũ.
Vậy, chúng ta thấy gì khi cung ứng nhiên liệu vẫn nhỏ giọt trên thị trường, bất chấp các nỗ lực của Chinh phủ và các bộ ngành liên quan?
Thật ra, không khó để giải thích những gì đang diễn ra. Lý do dễ thấy nhất đó là, giấy phép kinh doanh xăng dầu không dễ có, nhưng lúc này lại rất dễ bị thu hồi, nếu thương nhân không giải trình được lý do ngừng bán. Không ngừng bán, nhưng càng bán càng lỗ, phải làm sao? Câu trả lời là bán nhỏ giọt, để không bị thu hồi giấy phép, lại không bị lỗ quá nhiều.
Và kết quả của những tính toán đó, là sự xáo trộn nghiêm trọng đối với xã hội. Đời sống người dân bị ảnh hưởng, lưu thông hàng hóa trì hoãn, giá hàng hóa tăng cao… Nền kinh tế đã khó, càng thêm khó.
Cần nhớ là sau kiến nghị của 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL gửi đến Chính phủ (7/10), phản ảnh tình hình bất hợp lý trong kinh doanh xăng dầu, Chính phủ ngay lập tức đã có các điều chỉnh, như tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu (11/10) để chia sẻ các khoản chi phí của doanh nghiệp bị đội lên; Bộ Tài chính cũng đã điều chỉnh giá xăng dầu tăng nhẹ, từ 560-1979 đồng/lít tùy chủng loại; hạ mức trích lập Quỹ Bình ổn giá … Thuế và các chi phí xăng dầu liên tục được chính phủ đôn đốc các bộ ngành liên quan tìm cách giảm xuống. Đó chính là sự chia sẻ đầy trách nhiệm của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Nhìn lại một chút, vì xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện và góp phần quan trọng đối với nền kinh tế của nước ta, nên nhiều năm nay, ngành này luôn nhận được các hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ. Câu chuyện các thương nhân xăng dầu liên tục có được lợi nhuận khủng là điều không hề lạ.
Thậm chí, cho đến nửa cuối tháng 7/2022, khi chiến sự Nga -Ukraine đang căng thẳng, giá xăng dầu thế giới biến động lớn, thì nhiều doanh nghiệp xăng dầu trong nước ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, lãi từ vài trăm đến cả chục ngàn tỉ đồng. Các thông số từ sàn chứng khoán khi đó đã hé lộ sự thật.
“Siêu lợi nhuận” là lý giải tiếp theo để các thương nhân xăng dầu trong tất cả các loại hình thà chịu bán lỗ chứ không dám ngưng bán hẳn. Khó khăn nhất thời không thể làm họ quên rằng, trong điều kiện bình thường, lợi nhuận từ xăng dầu vô cùng hấp dẫn.
Vậy thì, thay vì kêu than, lúc này, là lúc ngành kinh doanh xăng dầu phải xác định chung lưng đấu cật với Chính phủ để cùng nhau vượt khó. Lợi ích của các bên (Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng) phải được đảm bảo hài hòa, thì nền kinh tế mới tránh được suy thoái, bất ổn, trong bối cảnh căng thẳng và nhiều yếu tố rủi ro từ thị trường thế giới.
Phạm Khoa