Vì sao ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ giảm mạnh?
Nếu dịch COVID-19 ở Mỹ là một cuộc đua marathon thì nước này đang ở dặm thứ 20, các chuyên gia cảnh báo chặng cuối cùng có thể không ngắn mà thậm chí còn đau đớn nếu chủ quan.
Theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins, số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày ở Mỹ được ghi nhận vào ngày 2-1-2021 với 300.282 ca. Nhưng hôm thứ hai 15-2-2021, giảm xuống dưới mức 65.000 ca/ngày.
Cách đây 1 tháng, Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố kết quả 20 mô hình dự báo dịch COVID-19. Hầu hết đều cho thấy số ca nhiễm ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong tháng 2, hoặc ít nhất giữ nguyên.
Thực tế bây giờ lại trái ngược, số ca nhiễm mới mỗi ngày đang giảm mạnh, riêng số ca nhập viện đã giảm 50% trong tháng vừa qua. Xu hướng giảm này rất rõ ràng vì tầng suất xét nghiệm không thay đổi nhưng tỉ lệ dương tính thấp hơn trước nhiều.
Theo trang The Atlantic, có 4 lý do khả dĩ giải thích cho hiện tượng này.
1. Hành vi: Có thể người Mỹ đã quen hơn với việc đeo khẩu trang và giãn cách sau nhiều đợt bùng phát chết chóc. Mùa đông, mọi người cũng dành nhiều thời gian trong nhà hơn và hạn chế tụ tập đông người.
Câu hỏi chỉ là người dân có trở lại tâm thế chủ quan như hồi mùa hè năm 2020 khi số ca nhiễm chỉ vừa có dấu hiệu giảm nhiệt, để rồi sau đó dẫn đến một đợt bùng phát mới.
2. Tính theo mùa: Có thể virus corona có đặc tính giảm hoạt động vào thời điểm này trong năm.
Sự thay đổi trong hành vi không thể giải thích hết mọi thứ. Đeo khẩu trang, giãn cách… khác nhau tuỳ theo vùng miền và quốc gia, nhưng số ca nhiễm COVID đang giảm đồng loạt ở Mỹ và châu Âu. Từ ngày 1-1, ca nhiễm mới mỗi ngày ở Anh giảm 70%, ở Canada giảm 50% và Bồ Đào Nha là 30%.
Hiện tượng trên đặt ra nghi vấn virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có đặc tính theo mùa, nhưng tại sao đúng vào tháng 2 khi trời vẫn còn khá lạnh thì khoa học không thể giải thích được, có thể còn điều gì đó đang diễn ra ngoài yếu tố thời tiết.
3. Miễn dịch một phần: Virus không còn nhiều đường để lây?
CDC Mỹ ước tính khoảng 15-30% người Mỹ trưởng thành đã nhiễm COVID-19. Càng nhiều người có đề kháng, virus sẽ càng khó phát tán.
Nhưng cần lưu ý đây không phải là miễn dịch cộng đồng, nó chỉ có nghĩa nhóm dân số dễ tiếp xúc COVID-19 nhất (y bác sĩ, người vô gia cư, lao động thiết yếu…) đã có kháng thể, từ đó làm hẹp đường lây của virus.
Thêm một điều cần nhấn mạnh, đây chỉ là đề kháng với chủng virus gốc, khả năng tái nhiễm COVID-19 luôn tồn tại khi các biến thể mạnh hơn đang dần chiếm ưu thế.
4. Vắc xin: Có hiệu quả.
Số ca COVID-19 ở Mỹ bắt đầu giảm trong tháng 1, khi đó chưa có ai ngoài nhân viên y tế được tiêm ngừa. Do đó vắc xin không giải thích được tại sao xu hướng giảm bắt đầu, nhưng nó có thể giải thích phần nào lý do số ca nhập viện giảm nhanh.
Dự báo đến mùa hè Mỹ sẽ có khoảng 50% dân số trưởng thành được bảo vệ phần nào, thông qua nhiễm bệnh tự nhiên hoặc vắc xin. Ẩn số còn lại chỉ là các biến thể virus sẽ ảnh hưởng ra sao đến đại dịch.
Theo trang STAT News, mặc dù các con số đang đi theo chiều hướng tốt, thống kê dịch bệnh ở Mỹ vẫn còn ở mức rất cao. Thậm chí trong những ngày tốt nhất, vẫn có hơn 1.300 người chết vì COVID-19.
Mỹ bắt đầu ghi nhận mốc 100.000 ca/ngày vào đầu tháng 11-2020, đến tháng 1-2021 vẫn còn nhiều ngày ghi nhận trên 200.000 ca. Đến ngày 15-2-2021, con số này giảm xuống mức 65.000 ca/ngày.
Các chuyên gia lo ngại sự tụt giảm hiện tại chỉ là tạm thời, vì giữa lúc này những biến thể độc hơn như B.1.1.7 đang gia tăng sự hiện diện trong cộng đồng. Người ta không rõ nó sẽ tác động ra sao nhưng áp lực ngày càng lớn là phải tiêm ngừa càng nhanh càng tốt để đẩy số ca bệnh xuống mức thấp nhất có thể.
“Chúng ta cứ chơi trò may rủi khi để virus và các biến thể của nó tồn tại trong cộng đồng ở mức rất cao”, ông Jason Salemi, nhà dịch tễ học của ĐH South Florida, nhận xét.
Phúc Long