8
category
465122

Vì sao Bộ trưởng Mai Tiến Dũng được vinh danh nhà cải cách quản trị có tầm ảnh hưởng nhất toàn cầu?

13/01/2021 11:08

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng được bình chọn là một trong 6 chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất trong cải cách quản trị. Chúng tôi xin điểm lại nét chính trong nỗ lực cải cách quản trị của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong suốt thời gian nhiệm kỳ.

Tổ chức Apolitical phối hợp với Hội đồng tương lai toàn cầu về phương pháp quản trị Alige của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố danh sách 50 nhà cải cách quản trị có tầm ảnh hưởng của thế giới – Alige 50.

Theo danh sách, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thuộc nhóm 6 chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực quản trị.

Chúng tôi xin điểm lại nét chính trong nỗ lực cải cách quản trị qua những phát ngôn đầy ấn tượng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm trong thời gian gần đây.

Những phát ngôn ấn tượng của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong nỗ lực cải cách quản trị - Ảnh 1.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng được vinh danh nhà cải cách quản trị có tầm ảnh hưởng nhất toàn cầu

Giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức “5 tại chỗ”Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu tại về cải cách hành chính tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV,  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.

Đến nay, tỷ lệ nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương bị quá hạn thực hiện đã giảm từ khoảng 25% tổng số nhiệm vụ (thời điểm đầu nhiệm kỳ) xuống chỉ còn khoảng 1,8% hiện nay.

Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn mộ phận một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, 58/63 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.

Đặc biệt, có địa phương đã thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức “5 tại chỗ” như Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Nhiều địa phương đã gắn kết chặt chẽ giữa việc thiết lập một cửa “vật lý” và một cửa điện tử để tạo thuận lợi cho người thực hiện như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Cà Mau, Bình Dương…

Nhiều Bộ, cơ quan tiên phong như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội, Tập đoàn Điện lực…

Cải cách hành chính, Chính phủ điện tử tiết kiệm 14.000 tỷ đồng/nămVề điểm nhấn trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu 2 điểm nổi bật.

Thứ nhất, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa.

Theo cách tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Thứ hai là, xây dựng Chính phủ điện tử, trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 12/3/2019 đến nay, đã có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua trục liên thông, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ vận hành từ ngày 24/6/2019 đến nay đã phục vụ 23 phiên họp Chính phủ và hơn 561 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, giúp thay thế hơn 210 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy, tiết kiệm 169 tỷ đồng mỗi năm.

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020 là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, hệ thống đã kết nối 30 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu kinh tế – xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 09/12/2019. Sau gần 11 tháng triển khai, đã có hơn 85 triệu lượt truy cập, 25 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái…

Tổng cộng, từ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, con số tiết kiệm khoảng 14.000 tỷ đồng mỗi năm.

Môi trường kinh doanh toàn cầu tăng 20 bậc

Tại buổi họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12/5/2020) vào tháng cuối tháng 9/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng công tác cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Những phát ngôn ấn tượng của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong nỗ lực cải cách quản trị - Ảnh 3.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giám sát việc xin cấp đổi CMND tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng hồi tháng 11/2020. Ảnh Thanh Niên.

Thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (thủ tục hành chính) trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước trong giai đoạn 2007 – 2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/ 5.421 thủ tục hành chính (cắt giảm 37,31% thủ tục hành chính tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm).

Cùng với đó là các Đề án: đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020; Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước…

Thực hiện các chương trình này, đã có hàng nghìn điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Trong giai đoạn 2016-2020, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng…

Nhờ đó, xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News & World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư…

Những phát ngôn ấn tượng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

1. “Nếu thủ tục giải quyết chậm, Chủ tịch thành phố có thư xin lỗi dân” 

Tại buổi họp với 5 tỉnh Tây nguyên ngày 16/11/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố thông minh phải mang lại nhiều lợi ích nhất cho người dân.

Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ: “Người dân có thể giám sát việc giải quyết thủ thục hành chính của mình trên điện thoại thông minh. Nếu TP.Đà Lạt giải quyết thủ tục chậm so với thời gian quy định, Chủ tịch UBND thành phố có thư xin lỗi người dân”.

2. “Các bộ cải cách tốt nhưng cát cứ”

Tại cuộc họp về các giải pháp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh theo đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra vào tháng ngày 6/1/2020 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Từng bộ cải cách tốt nhưng liên bộ thì chưa tốt, còn tình trạng cát cứ. Vì thế phải liên thông, kết nối, chuyển từ thủ tục giấy sang điện tử”.

3. ” Làm Chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là phải dám vứt bỏ quyền lợi!”

Phát biểu tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 diễn ra vào tháng 8/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nói: “Trước hết chúng ta phải làm công tác tư tưởng, giáo dục cán bộ. Cải cách chính là từ tư tưởng, phải dứt bỏ những quyền lợi, những thứ mà thường được cho là không ai giám sát, mỗi người phải có trách nhiệm minh bạch.

Mặt khác cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong việc làm Chính phủ điện tử. Nếu trước đây người nào biết việc nấy thì nay, với việc điện tử hoá, các cá nhân trong tổ chức sẽ có sự công khai, tương tác, chia sẻ thông tin. Tôi cũng cho rằng cần lưu ý đến trách nhiệm của người đứng đầu, phải gương mẫu để có sự noi gương”.

4. “Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ mà không dám làm gì thì không ổn” 

Trong một bài viết của Báo VOV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Chính phủ hành động, quyết liệt mà cơ quan tham mưu “co mình lại” không dám làm gì là không được”.

5. “Đừng cắt giảm thủ tục kiểu ‘3 trong 1”

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra vào tháng 3/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Năm 2018 phải tập trung hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế để tạo môi trường kinh doanh, tạo môi trường thu hút đầu tư, huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã yêu cầu: “Không thể giảm số lượng thủ tục hành chính theo kiểu “biến tướng” ba thành một. Tức là gộp ba thủ tục hành chính thành một rồi nói là đã giảm được hai thủ tục hành chính. Cũng không được biến tướng các thủ tục hành chính thành những câu chữ không lượng hóa được.

Theo đó, phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn nếu không thì không ra được vấn đề. Không dùng kiểu nói “đảm bảo tốt, đảm bảo đẹp, đảm bảo sạch… để tạo ra kẽ hở cho cán bộ thi hành công vụ”.

Ong Lý (Tổng hợp)

Đọc nhiều