Ví người bán hàng rong là ‘ký sinh trùng’: Nhịu thế nào?
Biên tập viên VTV xin lỗi vì đã đọc nhịu khi nói người bán hàng rong là “ký sinh trùng” nhưng chuyên gia ngôn ngữ lại có ý kiến ngược lại.
Chiều tối ngày 17/8/2020, biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Quang Anh đã viết trên trang mạng cá nhân với nội dung xin lỗi sau sự cố ví người bán hàng rong ở TP. HCM là “ký sinh trùng” trong bản tin tài chính phát sóng vào buổi sáng cùng ngày.
Biên tập viên này cho rằng, bản thân mình đã đọc nhịu, khiến khán giả xem truyền hình bị hiểu sai nội dung muốn truyền tải, gây ra những sự phản cảm không đáng có.
Đây hoàn toàn là sai sót của cá nhân tôi trong quá trình truyền tải thông tin tới khán giả. Trong khi nội dung của phóng sự là góc nhìn chia sẻ, đồng cảm với những người bán hàng rong vất vả mưu sinh, chứ không có bất kỳ một ý coi thường nào” – biên tập viên Anh Quang viết.
Tuy nhiên, ngay sau đó trang mạng cá nhân của biên tập viên Anh Quang bị khoa lại khiến cho mọi người không thể vào đọc được lời xin lỗi của nhân viên VTV.
Trước lời xin lỗi của biên tập viên Anh Quang, nhiều nhà ngôn ngữ học của Việt Nam đã đặt ra những câu hỏi, người dẫn chương trình này vì sao đọc nhịu? Nếu biên tập viên này đọc nhịu vậy thì sự thực muốn ví người bán hàng rong với cái gì?
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam phân tích, ký sinh trùng được cho là một loài vật ăn bám, sống dựa vào một thực thể khác. Nếu ví người bán hàng rong như “ký sinh trùng” là phủ nhận công lao động vất vả của họ, biến họ trở thành một kẻ lười biếng, chỉ biết sống dựa dẫm vào một người khác.
“Với quan niệm của người dân Việt Nam, ví người khác là ký sinh trùng giống như một sự làm xúc phạm danh dự. ” – vị chuyên gia cho biết.
Ông Hiệp đặt giả thiết, biên tập viên của VTV có đọc nhịu là thật thì cũng chỉ là “ký sinh” thành “ký sinh trùng”. Ngay bản thân từ “ký sinh” cũng thể hiện sự chê trách người đó chỉ hưởng thụ, không làm gì. Từ này dành cho người bán hàng rong là không hợp lý.
Đồng quan điểm, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng nhìn nhận việc nói những gánh hàng rong như những ký sinh trùng cho thấy sắc thái khinh miệt.
“Ký sinh trùng”, hay “ký sinh” đều không đúng và khó có thể thể chấp nhận trong văn cảnh này. Ký sinh chỉ hình thức sống bám vào loài khác. Còn ký sinh trùng chỉ những sinh vật sống trên vật thể khác, hút chất dinh dưỡng của chúng.
“Đối tượng được nói đến không chỉ là một sự vật trừu tượng mà là thân phận của những con người. Bởi vậy, khi dùng câu chữ nào đều phải rất cân nhắc”, ông Phạm Xuân Nguyên nói.
Liên quan đến vụ việc này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc VTV cho biết phải xem lại bản tin đó.
Tuy nhiên nêu quan điểm về từ được BTV dùng, ông Lương khẳng định: “Về quan điểm dùng từ đó không đúng”. Ông Lương cho biết sẽ kiểm tra lại và trả lời cụ thể sau.
Ngọc Vân/ĐV