Vì nghĩa hám danh, là giang hồ hay nghệ sĩ?
Có câu nói vui thế này: Xã hội ngày nay có nhiều cô sinh viên nhìn như cave, nhưng cũng có nhiều cô cave nhìn như sinh viên tri thức. Thì ngày nay có một sự thật nghiệt ngã, nhiều gã bặm trợn tự xưng là hiệp sĩ, giang hồ học đòi làm nghệ sĩ còn nghệ sĩ lại thích học thói côn đồ.
Trước kia, có đọc qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Số đỏ – Vũ Trọng Phụng) mà cười ra nước mắt, thì mấy ngày hôm qua thấy quá nhiều sự lạ đời. Một nghệ sĩ hài gạo cội ra đi, có không ít kẻ ngoài miệng rơi nước mắt mà trong lòng nở hoa, tìm mọi cách để mua danh chuộc tiếng, hay còn gọi là kiếm fame đấy các bạn ạ!
Lấy ví dụ như câu chuyện gần đây, nhiều người mang danh là đòi lại công bằng cho cố nghệ sĩ Chí Tài, sẽ trừng trị những kẻ phát ngôn ảnh hưởng đến anh linh người quá cố, tạm gọi là quyết làm việc nghĩa đến cùng. Thế mà nhất cử nhất động của họ ầm ĩ khắp cộng đồng mạng.
Có những người nhân danh đòi công lý cho gia đình nghệ sĩ quá cố, trước khi đi thì đăng bài viết thông báo, trong khi đi thì livestream trực tiếp, sau khi kết thúc thì ăn nhậu giảng hòa, cuối cùng thì đăng status khoe chiến tích… Họ hăng say “làm việc nghĩa” đến mức quên luôn tôn chỉ họ hô hào, mục đích khoe trên fb cá nhân ban đầu là gì?
Vậy nên, bất chấp đang có dịch bệnh Covid-19, họ vẫn hú hét gọi nhau tập trung để đi “thế thiên hành đạo”, nhưng hành động thì rặt rõ phường thảo khấu. Rồi thì cũng là dạng có tên tuổi, cũng học hành đầy đủ mà chỉ thẳng tay vào bác công an vốn đáng tuổi cha chú họ, yêu cầu phải làm thế này, thế kia.
Họ nghĩ bản thân thực sự là đại diện cho công lý, cho lẽ phải, là được quyền thực thi pháp luật đấy hay sao?
Hơn trăm năm nay, có biết bao nhiêu người yêu thích tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, vì trong đó có những nhân vật sống và hành động theo một phương châm cao quý.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người như thế cũng phi anh hùng!
Tư tưởng này thể hiện một lẽ sống cao đẹp của người Việt Nam ta. Cao thượng bởi vì đấy là những hành động nghĩa hiệp xuất phát từ bản tâm, hào hiệp trượng nghĩa một cách vô điều kiện, không sợ thiệt thòi đến bản thân, không sự nguy hiểm, không mong được ca tung, không đợi được đền bù.
Đó mới là chữ Hiệp đúng nghĩa. Tức như Lý Bạch đã nói: “Việc xong rũ áo ra đi – Xoá nhòa thân thế, kể gì tiếng tăm”.
Tuy nhiên, có những người mang tiếng là hiệp sĩ mà mê hư vinh, chuộng danh lợi, và “cố tình lùng việc nghĩa để làm”, mục đích chỉ để mua danh chuộc tiếng, sau cùng mưu lợi cá nhân.
Thật ra, kể cả “cố tình làm việc nghĩa để mua danh chuộc tiếng” cũng tốt, nhưng nó phải thực sự là việc nghĩa kìa, tức nó mang lại giá trị tích cực cho đời. Chỉ đáng tiếc, nhiều kẻ mang danh hiệp sĩ mà cái tâm vẩn đục, tư duy lại ngắn hạn, nên những việc trong mắt hắn ta là nghĩa hiệp, thực chất lại là một trò hề không hơn không kém trong mắt người có trí huệ.
Bất cứ ai trong chúng ta, danh là một thứ gì đó thực sự quan trọng. Ngày xưa, các bậc quân tử xem trọng danh tiếng phẩm hạnh bản thân hơn cả mạng sống. Bởi vậy mới có câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục. Tâm lý của con người là vậy mà, thường vẫn thích có vị trí, có sự đánh giá của người khác giành cho mình thật sự tốt đẹp.
Tuy nhiên, lại có những kẻ vì ngu độn nên không phân biệt được đâu là thực danh và hư danh. Thế nên, xã hội này không hề thiếu những kẻ tuy có “hư danh”, tức là được nhiều người biết tới mà không có tài cán gì, hoặc tuy có địa vị, tên tuổi nhưng không phát huy được vai trò hoặc không đem lại lợi ích gì từ vị trí đó thì đó chỉ là hữu danh vô thực, hoặc đại ngu giả trí.
Sĩ khả sát, bất khả nhụcDo sự tác động của cơ chế thị trường, hội nhập hòa tan, đã tác động đến tâm lý, lối sống của một bộ phận người dân nhất là thế hệ trẻ lối sống hưởng lạc, lười lao động, chuộng hư danh, thích thể hiện. Lười lao động ngại học tập, ngại khó, ngại khổ nhưng lại thích được nhìn nhận đánh giá, thích được khen, được để ý, được nổi tiếng, coi trọng hình thức, khoe khoang, thành tích.
Một điều đáng báo động là thói chuộng hình thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ của không ít người thích đánh bóng, thích sống ảo, thích chơi trội, trọng vật chất, thiếu trung thực với bản thân. Để câu like trên mạng xã hội facebook, nhiều người đã có những thách đố như hẹn đánh nhau, tự thiêu, tắm phân, sống kiếp động vật… những hành động quái dị này, theo lí giải của các chuyên gia tâm lí thì cùng với mạng xã hội chính là công cụ để cho giới trẻ thể hiện cái tôi, nhu cầu tự khẳng định, tự cường điệu nhằm tạo cho mình một hình ảnh, một sức mạnh gây sốc dư luận.
Ví như Khá Bánh, Huấn Hoa Hồng … thì trở thành thần tượng giới trẻ, đua nhau ra MV dạy con người ta sống sao cho có đạo đức. Kỳ lạ hơn nữa là họ dù vào tù ra rội, nhưng qua tay đám truyền thông kền kền lại thành hiện tượng mạng, đi đâu cũng có người săn đón, chụp hình thú vị, còn có nhiều đơn vị mời đi quảng cáo.
Ở chiều ngược lại, có không ít người mang danh là “nghệ sĩ” nhưng ngáo quyền lực, coi trời bằng vung, tự cho mình là biểu tượng của công lý và xem quan điểm/lẽ sống của bản thân họ là chân lý. Thậm chí có một nghệ sĩ đã từng có tuyên bố xanh rờn, kiểu như phát ngôn dằn mặt: “Đừng có đụng vào nghệ sĩ” trên facebook cá nhân, như kiểu nghệ sĩ ở Việt Nam là một biểu tượng của sức mạnh và quyền lực.
Cũng may, ở đâu cũng có nghệ sĩ this nghệ sĩ that. Nghệ sĩ Hữu Châu đã viết: “Làm gì làm, sao cũng được, nhưng đừng để những người tốt đang thương yêu và trân trọng nghề hát này, nghĩ mình toàn là những người hung dữ. Các em, các cháu ơi!”.
Đồng tình với Hữu Châu, nghệ sĩ Hoài Linh bình luận: “Anh nói các em nó đi anh”. Hữu Châu đáp lại: “Anh chỉ nói như trên, hi vọng nhiều em, cháu hiểu và nghe lời mình. Em nghỉ ngơi đi, mấy ngày mệt rồi!”.
Nói đi cũng phải nói lại, chung quy để xảy ra tình trạng này ấy là do yếu kém về học thức và thiếu hụt về nhận thức.
Nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam, chẳng những tư duy thiếu chiều sâu mà còn hay vướng vào “tiêu chuẩn kép” vô cùng rõ ràng. Họ suốt ngày luyện tập, suốt ngày chạy show thì thời gian đâu nữa mà nâng cao tri thức. Huống chi được khoác lên “vòng hào quang từ cộng đồng hâm mộ”, nhiều người còn nghĩ mình thượng đẳng. Thế là đôi khi họ dẫm đạp lên Pháp luật chỉ để thỏa mãn cảm xúc bản thân. Nhất là khi thấy chính quyền chẳng có động thái gì, họ càng ngày càng coi trời bằng vung.
Và rồi rất nhiều nghệ sĩ cổ súy bạo động, cổ súy những hành động trái pháp luật, công kích chính quyền. Ví như một anh ca sĩ triệu fan tự thay quyền pháp luật, đường hoàng lên facebook treo giải 10 triệu cho ai đó đấm vỡ mặt một ông bố bạo hành trẻ nhỏ. Thế nên mới có một MC đăng đàn, công khai chỉ trích chính sách của Đảng và nhà nước, nói chính phủ Việt Nam hèn với giặc ác với dân khi không chỉ đích danh “kẻ thù” trong chiến tranh biên giới. Thế nên mới có một ca sĩ quốc dân thoải mái lăng nhục người khác, chỉ vì cô ta ngứa mắt, phỉ báng truyền thống dân tộc chỉ vì ngược quan điểm sống của cô ta.
Nói như ca sĩ Duy Mạnh: “Ca sĩ, Mc, Diễn viên kiếm tiền mua vui cho đời được rồi … Chứ với năng lực và trí tuệ của giới văn nghệ sĩ thì chả làm được cái gì to lớn hơn được đâu … Cứ thử cho một thằng ca sĩ, một thằng MC lên điều hành đất nước thử xem! 2,3 ngày là loạn lên”.
Duy Mạnh nói đúng đấy các bạn ạ!
Sĩ Thanh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả