‘VFF nên tự kiếm tiền từ bóng đá để trả lương cho HLV Park Hang-seo’

11/07/2019 12:09

Quản lý nền bóng đá Việt và học cách kinh doanh để kiếm tiền nên là ưu tiên hàng đầu của VFF.

Sau một tuần ở Lyon xem World Cup nữ, tôi thật sự ấn tượng với phương pháp “móc túi” người hâm mộ của các liên đoàn bóng đá thế giới.

2069489_6607
HLV Park Hang-seo

Ở sân vận động là một quầy hàng bán đủ mọi loại quần áo và đồ lưu niệm World Cup. Vào sân, mỗi chai nước giá 4,5 euro, mắc kinh dị, nhưng sẽ có tặng kèm một cốc nhựa có ghi ngày giờ trận đấu và tên hai đội cùng tên sân vận động. Mỗi liên đoàn của một quốc gia đều bán áo đấu của các cầu thủ. Nếu bạn muốn tên mình ở sau lưng áo thì cũng có. Rồi các món đồ cổ vũ như khăn choàng, nón có in huy hiệu của liên đoàn đều có cả.

Liên đoàn bóng đá Mỹ mới khiến cho ai cũng phải trầm trồ. Chừng hơn một năm họ sẽ đổi áo đấu một lần, tuy màu sắc giống nhau nhưng họa tiết khác. Rồi áo phụ sẽ đổi, khi màu xanh, khi màu đỏ. Rồi áo in các câu khẩu hiệu của đội, áo kỉ niệm các danh hiệu… Khi tuyển Mỹ vô địch World Cup nữ 2019, trận chung kết vừa kết thúc, đội hậu cần đem ra áo đấu có số 19 sau lưng (năm 2019) và chữ “champions” thay cho tên để cầu thủ mặc. Trên Facebook cũng ngay lập tức bán áo đó.

Kết quả là thành phố Lyon suốt cả tuần tổ chức hai trận bán kết và trận chung kết cứ đầy các loại áo bóng đá của Mỹ. Rồi balô, giày dép, nón, áo khoác… Gối ngủ trên máy bay cũng có huy hiệu của liên đoàn. Các cổ động viên ai cũng mua nhiều áo, phải mặc cho hết chứ.

Tiền tài trợ của các công ty cũng đựơc chia thành từng gói chi li. Ai được xuất hiện lúc nào cũng đựơc chia ra cẩn thận. Nên tuyển Mỹ khi tập sẽ mặc áo có gắn biểu tượng của Volkswagen, lúc ngồi trên xe bus sẽ mặc áo khác, khi ra hát quốc ca cũng khoác áo khác. Giày tất cũng có hãng tài trợ riêng cho từng cầu thủ. Buổi phân tích giữa giờ giải lao là của AT&T (công ty viễn thông) còn công ty tài trợ cho buổi tường thuật lại khác.

Khi theo dõi cuộc tranh cãi trên mạng về chuyện “lương ông Park”, tôi hơi ngạc nhiên khi ai cũng nhất định tranh cãi xem trả bao nhiêu là xứng đáng, và tại sao VFF chỉ có chừng này tiền mà thôi.

VFF thì mãi không thấy nói tới chuyện làm sao để có tiền mà chủ động trong thương lượng. Lúc ông Park mới về bầu Đức phải móc túi riêng trả lương, VFF chỉ ngồi yên đồng ý mà không chịu nghĩ cách kiếm tiền. Giờ tới lúc thương lượng hợp đồng cũng vậy, mãi loay hoay với câu hỏi bao nhiêu mà không chịu hỏi “làm sao để có tiền”.

Cách kiếm tiền từ cổ động viên có rất nhiều và các liên đoàn bóng đá khắp thế giới đã và đang làm rất nhiều. Kiếm tiền cho bóng đá nữ càng khó bởi vì nhu cầu không cao, các liên đoàn còn phải chật vật tạo ra nhu cầu, trong khi đó người Việt Nam rất quan tâm bóng đá nam. Túi tiền người hâm mộ để đó, VFF không quan tâm hay là không biết quan tâm để kiếm tiền?

Thể thao hiện đại cực kì tốn kém. Nó không phải chỉ là đầu tư cho các cầu thủ trẻ hay tạo điều kiện cho trẻ em cho chơi thể thao. Nó còn là các khoản ngay trên “nóc nhà” để trả cho những khoản chi phí trong tập luyện và thi đấu.

Những câu chuyện hậu trường khi du đấu của bóng đá Việt Nam thường là chuyện ăn uống thế nào, điều kiện khách sạn ra sao. Còn câu chuyện hậu trường của tuyển nữ Mỹ là phải mang vác các loại tạ chuyên dụng cho các cầu thủ thế nào, chuyện phải bảo quản món bơ hạnh nhân làm ở Mỹ cho các cầu thủ. Kì World Cup nữa vừa rồi trời nắng nóng, mỗi sáng các chuyên viên Mỹ đã… đi phân tích nước tiểu của các cầu thủ rồi pha cho mỗi người một chai nước bổ sung điện giải để đảm bảo không mất nước.

Bóng đá thế giới ở một tầm cao hơn Việt Nam rất nhiều. Để vươn tới châu lục còn cần rất nhiều tiền để chi cho những vấn đề khoa học kĩ thuật chứ không phải chỉ là chuyện lương thưởng. VFF nên ngay lập tức bắt đầu vào việc kiếm tiền, vừa kiếm từ túi người hâm mộ, vừa thu từ các công ty tài trợ.

VFF cũng nên tách bạch việc làm kinh tế cho tổ chức. Nhẽ ra mỗi công ty nên có mức tài trợ riêng để đổi lại việc được quảng cáo thế nào, chứ việc mỗi ông bầu lại nhảy vào kiêm nhiệm một chức vụ để rồi khi không vừa ý lại đăng đàn trách móc lẫn nhau đã thành thông lệ. VFF không làm nhiệm vụ quản lí nền bóng đá, mà trở thành chỗ để những người có tâm cố gắng làm công việc không đúng chức trách, gây ra những xung đột lợi ích không nên có, rồi mỗi khi có gì không ổn lại trách nhau.

VFF cần phải trở lại là chính mình, một tổ chức quản lí và kiếm tiền để đầu tư cho bóng đá Việt Nam, chứ không nên trông chờ tiền của Nhà nước rồi lại tiền của các ông bầu.

(Theo VnExpress)

Đọc nhiều