“Vết nứt” ở Đồng Tâm và Thủ Thiêm
“Nếu người cán bộ có sự lăn lộn, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thấu tình đạt lý của mình đối với người dân thì sẽ rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt”.
Đó là lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 đã được tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Nhìn lại hai sự kiện Đồng Tâm và Thủ Thiêm, chúng ta càng thấy vai trò của công tác dân vận quan trọng đến nhường nào.
“Vết nứt” ở Đồng Tâm và Thủ Thiêm
Cách trung tâm quận 1 chừng 300 m đường chim bay, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, KĐTM Thủ Thiêm được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á với quy mô 930 ha (khu đô thị mới 770 ha, khu tái định cư 160 ha), dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người.
TP.HCM khẳng định thực hiện dự án này không nhằm kinh doanh bất động sản. Phần lớn diện tích được ưu tiên làm các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố hiện hữu chưa có. Tuy nhiên, hơn 20 năm sau quy hoạch dự án vẫn còn dở dang, hàng trăm hộ dân khiếu nại từ thành phố đến Trung ương vì cho rằng bị thu hồi đất trái quy định.
Thanh tra Chính phủ hai lần kết luận hàng loạt sai phạm của UBND TP HCM và các bộ ngành liên quan. Thành phố cũng bị yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng do tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng…
Việc này nó đi ngược lại với chủ trương ban đầu của Chính phủ và thành phố. Còn nhớ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra quyết định cho phép TP.HCM thực hiện. Quyết định của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quy định rất rõ: Phải dành 160ha đất (trong tổng diện tích 930ha của dự án) để tái định cư cho người dân tại bán đảo Thủ Thiêm bị ảnh hưởng, di dời…
Điều này cho thấy, ngay từ đầu, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến người dân bị giải toả trong vùng bị quy hoạch. Đặc biệt lúc đó, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu rất rõ, 160ha đất tái định cư cho người dân bị di dời, phải thuộc 5 phường giáp ranh trung tâm KĐTM Thủ Thiêm. Việc này mang ý nghĩa để cho người dân Thủ Thiêm được hưởng lợi, thụ hưởng các giá trị vô hình từ một trung tâm đô thị mới khang trang, hiện đại…
Một vấn đề liên quan đến khiếu kiện khác đó là từ Đồng Tâm (xã Đồng Tâm – huyện Mỹ Đức – TP Hà Nội). Biến cố ở Đồng Tâm có thể coi bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm.
Đến năm 2014, Bộ Quốc Phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46ha thuộc xã Đồng Tâm. Đây là khu đất đồng Sênh (vốn dĩ thuộc đất quốc phòng) nhưng người dân canh tác hàng chục năm qua khiến cho những người dân nơi dây “lầm tưởng” là đất của mình.
Hệ quả là một số đối tượng đã lợi dụng vấn đề dân chủ để khiếu kiện, tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng, xuất hiện nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự. Đỉnh điểm là vào ngày 15/4/2017, nhóm người quá khích trong xã Đồng Tâm đã bắt giữ trái pháp luật 38 người (chủ yếu là công an, kể cả lãnh đạo huyện). Đỉnh điểm là mới đây làm một số cán bộ chiến sĩ công an hy sinh đã cho thấy vấn đề cực kỳ nghiêm trọng dù nhìn ở bất cứ góc độ nào.
Từ “vết nứt” đất đai ở Thủ Thiêm và Đồng Tâm, một lần nữa cho thấy ý đồ, hành vi của những con rối dưới tay các thế lực xấu tìm cách lợi dụng kích động người dân gia tăng sức ép, chống đối Nhà nước, tác động vào tâm lý gây bất ổn xã hội. Bởi vậy, sự tỉnh táo nhận diện và hành động đúng trong vấn đề này là hết sức cần thiết.
Bài học xương máu về công tác dân vận
Điểm chung của cả hai sự kiện ở hai trung tâm đầu não của đất nước là các đơn từ khiếu kiện cũng như các bức xúc đã diễn ra nhiều năm nay. Dù Chính quyền từ huyện, thành phố có vào cuộc giải quyết, trong đó có rất nhiều cuộc thanh tra, đối thoại nhưng không giải quyết rốt ráo, dứt điểm vấn đề. Nó phần nào cho thấy, ngoài tính pháp lý thì công tác dân vận vẫn còn những hạn chế.
Với vấn đề ở Thủ Thiêm
Ai đáng được hưởng những giá trị từ KĐTM hơn họ? Khi mà chính người dân Thủ Thiêm, mới thật sự là người chủ của bán đảo này trong hàng chục năm, qua bao thế hệ?
Hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm phải giao lại nhà, đất để ra đi. Thay vì họ phải được tái định cư tại 160ha đất thuộc 5 phường giáp ranh trung tâm, thì trái lại, họ bị “đẩy đuổi” ra tận các phường Cát Lái, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Phú Hữu…, cách xa 5 phường trung tâm từ 15 – 20 cây số. Xót xa, đau đớn dường như còn hằn trên từng gương mặt của không ít người dân Thủ Thiêm đến tận hôm nay, vì sự “đẩy đuổi” phi lý ấy.
Đành rằng, không ít cuộc tiếp xúc giữa người dân Thủ Thiêm với lãnh đạo chính quyền, Hội đồng nhân dân TP.HCM trong những năm gần đây, không ít người dân đã nói trong nước mắt. Nhưng thực tế trên cho thấy chính quyền đã không chú ý đến công tác dân vận để ổn định lòng dân.
Còn Đồng Tâm thì sao?
Trước khi xảy ra “biến cố”, cái sai của chính quyền địa phương qua các thời kỳ là không làm rõ, tuyên truyền cho người rõ tính pháp lý của khu đất đồng Sênh là thuộc đất quốc phòng. Để rồi khi người dân canh tác một thời gian dài nên “lầm tưởng” đó là đất của mình và hậu quả thương tâm thế nào thì chúng ta đã rõ.
Nghiêm trọng hơn, vụ việc tại Đồng Tâm đang gây nhiễu loạn thông tin trên mạng internet, trong đó rất nhiều thông tin thất thiệt, giả mạo được tung ra nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội. Đây chính là mảnh đất để kẻ xấu lợi dụng, nhắm vào chỉ trích, miệt thị chính quyền, đả phá chế độ.
Theo đó, công tác dân vận lúc này càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta phải làm thực chất, thực lòng, ứng xử có văn hóa, là đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên. Đó chính là điều thuyết phục nhất với người dân.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Nếu người cán bộ có sự lăn lộn, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thấu tình đạt lý của mình đối với người dân thì sẽ rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt”.
Hơn lúc nào hết, để người dân có sự tỉnh táo cần thiết, để nhìn nhận bản chất sự việc, để hiểu đúng và hành động đúng. Đội ngũ làm công tác dân vận phải giúp dân không rơi tự do trong mớ thông tin rối ren đó, rồi trở thành con rối để kẻ xấu, thế lực thù địch lợi dụng.
Điều này cũng có nghĩa, từ đây chúng ta sẽ học được bài học vì dân, bài học xương máu về công tác dân vận. Bởi, chính vì sự xao lãng của các vị “công bộc” mà khoảng cách giữa người dân với cán bộ trong bộ máy chính quyền vẫn còn quá nhiều xa cách mới dẫn đến những hiểu lầm không đáng có như vậy.
Sông Trà