10
topics
411498

VEPR: Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

21/07/2020 17:01

Tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II và 6 tháng đầu năm 2020 tổ chức ngày 21/7, Viện Nghiên cứu chính sách và kinh tế (VEPR) đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Cụ thể, khả năng cao nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2% do những diễn biến bất lợi của dịch bệnh COVID-19.

Tập đoàn Daikin (Nhật bản) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điều hòa thân thiện môi trường và tiết kiệm điện tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho biết, VEPR đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên so với các dự báo trước đây, sau khi cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam.

Theo đó, báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020 đã chỉ ra rằng, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý II/2020, đạt 0,36% (yoy). Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 1,81%.

Nửa đầu năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 7,3%, tổng vốn đăng ký mới giảm 19% và tổng số lao động đăng ký giảm 21,8% so với 6 tháng đầu năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 3,17%, lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2020 ở mức 4,19% do giá lương thực, thực phẩm tăng.

Tỷ giá trung tâm gần như đi ngang trong suốt quý II/2020. Trong khi đó, tại ngân hàng thương mại, tỷ giá có xu hướng giảm. Tỷ giá có thể giữ mức thấp đến hết năm do đồng USD có xu hướng suy yếu.

Ngoài ra, giá vàng trong nước đang theo sát những bước tiến của giá vàng thế giới. Với triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, quý tới giá vàng trong nước được dự báo vẫn ở mức cao.

Theo Kinh tế trưởng VEPR, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.

Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm; duy trì chi phí nguyên nhiên vật liệu ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất. Đồng thời, làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ – Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đưa ra nhận định lạc quan hơn trước về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm và cả năm 2020, nhất là về tình hình lạm phát.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, năm nay, tình hình lạm phát hoàn toàn có thể kiểm soát được dưới 4%, khi sức cầu yếu, giá xăng dầu thời gian qua có nhích trở lại nhưng so với các năm bình quân giảm 20-25%, kiểm soát lượng cung tiền ở mức độ tích cực…

Tuy nhiên, đây là lúc cần bắt đầu quan tâm tới mức lạm phát năm 2021, do tình hình kinh tế phục hồi nhanh mạnh, giá dầu sẽ tăng trong năm tới. Độ trễ chính sách, lượng cung tiền năm nay sang năm tới cũng khiến áp lực lạm phát năm tới cao rất nhiều.

Báo của của VEPR cho thấy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn do nguy cơ tái bùng phát của dịch COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng.

Cùng với đó là các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu…

Đối với vấn đề hiệu quả đầu tư công thấp, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải có giải pháp mang tính đột phá để giải quyết vấn đề này. Theo PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trong khi tiêu dùng và xuất khẩu khó lòng khả năng mang lại động cơ tăng trưởng trong nửa cuối năm thì đầu tư công lại mang lạị nhiều ưu điểm.

“Tiền bơm ra bằng chính sách tiền tệ chưa chắc đã được hấp thụ hết nhưng tiền bơm ra bằng chính sách tài khóa thông qua đầu tư công sẽ được nền kinh tế hấp thụ hết. Đơn cử như gói 700.000 tỷ đồng mà Chính phủ lên kế hoạch giải ngân đầu tư công từ đầu năm hiện phát huy tác dụng như một cú hích cho nền kinh tế lúc này.

Nguồn tiền này kích thích tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giải quyết đầu ra cho các ngành công nghiệp, trong khu vực sản xuất và quan trọng nhất là hàng hóa công sẽ được tạo ra, các công trình công cộng nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó, tạo ra bầu không khí lạc quan cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.”, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói.

Các chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện.

Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt. Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra.

Diệp Anh/TTXVN

Đọc nhiều