432
category
337067

Về vụ Chánh văn phòng tòa án 26 năm bị truy nã: Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát!

Phạm Minh Hà 04/12/2019 18:50

Chiều 2.12, bên hành lang kỳ họp báo Chính phủ, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã có trao đổi với báo chí liên quan tới vụ đối tượng trốn truy nã 26 năm nhưng vẫn làm Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân huyện Cao Phong (Hòa Bình).

Vợ của Nguyễn Quang Huy trao đổi với phóng viên.
Vợ của Nguyễn Quang Huy trao đổi với phóng viên.

Trốn truy nã 26 năm làm Chánh Văn phòng Tòa án huyện

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, qua công tác nghiệp vụ, nắm hồ sơ, cơ quan Công an đã phát hiện đây là đối tượng trốn truy nã và tiến hành các thủ tục bắt giữ.

“Sau khi nhận được báo cáo của Công an địa phương, Bộ Công an đã có chỉ đạo yêu cầu kiểm tra lại các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, tại sao có sai sót trong việc ra lệnh truy nã, tiến hành truy nã để đối tượng thoát như vậy. Sau này, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào có vi phạm sẽ bị xử lý”, Thiếu tướng Xô nói.

Trước đó ngày 30.11, Đại tá Phạm Hồng Tuyến – Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, chiều 28.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với ông Nguyễn Quang Huy (SN 1973, trú tại TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) để điều tra làm rõ hành vi phạm tội cách đây 26 năm.

Theo tài liệu tố tụng, năm 1993, Nguyễn Quang Huy cùng 4 bị cáo khác (đã bị xét xử – PV) có hành vi phá hoại một công trình trong hệ thống Thủy điện Hòa Bình. Đây là công trình an ninh quốc gia.

Sau khi sự việc được làm rõ, Nguyễn Quang Huy bỏ trốn trong khi 4 đồng bọn bị xét xử phạt tù giam. Sau nhiều năm, không rõ bằng cách nào, đối tượng này vẫn điềm nhiên sinh sống tại chính nơi mình đã từng gây ra sự việc, thậm chí vào làm việc trong cơ quan Nhà nước, một cơ quan liên quan đến pháp luật.

Ông Nguyễn Quang Huy được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng Tòa án nhân dân huyện Cao Phong. Quá trình công tác, ông Huy được Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình cử đi học lớp nghiệp vụ Thẩm phán. Tuy nhiên, ông Huy chưa được bổ nhiệm.

Qua quá trình xác minh lý lịch người thân của ông Huy, cơ quan chức năng bất ngờ phát hiện ông Nguyễn Quang Huy có lệnh truy nã cách đây đã 26 năm nên tiến hành bắt giữ.

Bạn bè, đồng nghiệp của Huy càng bất ngờ hơn về việc này. Ông L. (SN 1973, trú TP Hòa Bình) bạn của Huy nói: “Tôi cảm thấy bất ngờ trước thông tin anh Huy bị bắt. Từ xưa đến giờ anh ấy chỉ ở địa phương không đi đâu hết. Theo tôi được biết, năm 1994 anh ấy đi học và kết nạp Đảng ở phương, là người đàng hoàng, gia đình cơ bản, không làm mất lòng ai”.

Đại tá Phạm Hồng Tuyến – Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình – cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Quang Huy (46 tuổi, trú tại TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) để điều tra hành vi phạm tội cách đây 26 năm. Đối tượng Nguyễn Quang Huy bị truy nã vào năm 1993 sau khi phạm tội “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”. Trốn truy nã nhiều năm, Huy vẫn sinh sống tại chính địa bàn nơi phạm tội, và vào làm việc trong cơ quan nhà nước về bảo vệ pháp luật.

Sai sót trong bổ nhiệm cán bộ, để “voi lọt lỗ kim”

Dư luận tại tỉnh này hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi, vì sao một tội phạm bị truy nã hàng chục năm lại có thể vào làm việc tại cơ quan Nhà nước, lại là TAND nơi thực thi pháp luật và được bổ nhiệm chức vụ cao như vậy?

Sau nhiều năm, không rõ bằng cách nào, nghi phạm này vẫn ung dung sinh sống tại chính nơi mình gây ra sự việc. Nghiêm trọng hơn, đối tượng còn nghiễm nhiên vào làm việc trong cơ quan Nhà nước.

Điều đáng quan tâm là những kẻ trốn chạy pháp luật không phải chỉ nhằm thoát tội cho bản thân họ mà còn tránh liên lụy cho đồng phạm. Chính vì thế mà dư luận thường đặt câu hỏi: Ai đã tiếp tay, báo động và bao che cho các nghi phạm tẩu thoát? Trả lời được câu hỏi này đồng nghĩa vạch mặt những đồng phạm và chủ mưu

Nguyễn Quang Huy vào được cơ quan nhà nước để làm chánh Văn Phòng Tòa Án Nhân Dân huyện Cao Phong.
Nguyễn Quang Huy vào được cơ quan nhà nước để làm chánh Văn Phòng Tòa Án Nhân Dân huyện Cao Phong.

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – nhìn nhận vừa qua có những sự việc sai sót trong công tác cán bộ như có những người dùng bằng giả, mượn bằng vẫn được thăng tiến hay thậm chí có cả trường hợp vi phạm pháp luật vẫn giữ những chức vụ trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Những sự việc vừa qua đó là điều đau xót cho chúng ta. Những người vì hám danh lợi, lợi dụng bằng cấp giả mạo, hồ sơ, lý lịch giả để thăng tiến đã là xấu xa rồi nhưng cũng là bài học rất đau xót cho tổ chức. Tổ chức có đủ các ban, ngành, đủ các quy định nhưng vẫn để xảy ra những sai sót rất đáng tiếc.

“Sự việc xảy ra vừa qua là những sự việc hết sức đau lòng, xấu hổ. Chúng ta có bộ máy hoàn chỉnh, các quy định hoàn chỉnh nhưng những “con voi vẫn chui qua lỗ kim”. Đây là việc thực hiện chấp hành các quy định một cách không nghiêm minh dẫn tới những sai sót, để lọt những trường hợp vi phạm pháp luật, những trường hợp dùng bằng giả hay mượn bằng cấp để thăng tiến như vậy” – ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, trường hợp người bị truy nã cách đây 26 năm nhưng vẫn có thể lọt vào cơ quan công quyền là chuyện rất khó hiểu. Bởi người này không đi xa, không trốn sang địa phương khác mà công an địa phương không phát hiện được, không xử lý.

Nói chung về việc để xảy ra sai sót trong công tác bổ nhiệm cán bộ, để lọt những trường hợp gian dối, ông Hùng cho rằng trước tiên những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, những người làm công tác tổ chức, tuyển dụng có trách nhiệm liên quan. Tiếp đến là những người đã “dung dưỡng”, phớt lờ cho những gian dối để họ có thể thăng tiến cũng cần phải xử lý. Đồng thời những người trong cấp ủy Đảng, những người tham mưu trong công tác cán bộ cũng cần phải có những giải trình, xem xét lại trách nhiệm trong các sự việc này.

Ông Hùng cũng cho rằng, tiến tới Đại hội Đảng các cấp, mọi người cần phải xem lại lai lịch của mình và tổ chức cần kiểm tra, rà soát thật chặt chẽ để phát hiện những trường hợp gian dối, xử lý kịp thời. Việc thẩm định hồ sơ cán bộ cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, tránh để xảy ra những sai sót tương tự. Đồng thời, các tổ chức Đảng cơ sở cũng cần kiểm tra, tránh buông lỏng, tăng cường sức chiến đấu tại cơ sở.

Cùng nói về việc này, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, sự việc người bị truy nã cách đây 26 năm là đối tượng vi phạm pháp luật nhưng lại nằm trong cơ quan bảo vệ pháp luật là vụ việc hết sức hy hữu. Theo ông Sinh, trong chuyện này có sự tắc trách của cơ quan công an đã không làm tới nơi, tới chốn trong việc khởi tố và xử lý, bỏ lọt tội phạm. Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ cũng chủ quan trong việc xem xét hồ sơ lý lịch tức là đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí khi tuyển dụng đầu vào.

Những người này thường làm mọi cách để một đầu mối bị lộ trốn đi là nhằm bịt các chứng cứ, lời khai mà có thể làm lộ diện cả một đường dây tội phạm, ảnh hưởng đến an nguy sinh mạng chính trị của họ. Chạy trốn là một cách tốt nhất để công lý phải dừng bước giữa chừng, làm chậm lại đòn trừng phạt của pháp luật, tạm thời giữ cho sự vi phạm pháp luật nằm trong bóng tối và chờ cơn sóng gió qua đi. Tuy nhiên, như một câu thành ngữ đã xa xưa nhưng không bao giờ cũ: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”!

Phạm Minh Hà

Tags :
Đọc nhiều