Về thông tin “Tổng Bí thư phải là người miền Bắc”

15/12/2020 12:48

Mong muốn chân thành của một bộ phận đảng viên, lão thành cách mạng và Nhân dân là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái cử. Trong trường hợp này, có 2 vấn đề lớn được đặt ra. Một là, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 2 lần tái cử theo thể thức “trường hợp đặc biệt” (quá tuổi ứng cử). Hai là, vấn đề tuổi tác và sức khoẻ, điều này cũng được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước Quốc hội sau khi Tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước.

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại Hội nghị Trung ương 14, sáng 14/12.

Trong trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không tiếp tục tái cử, thì ai sẽ là người kế nhiệm ông trong vai trò người đứng đầu của Đảng? Các quy định hiện hành đều đã rõ về tiêu chuẩn, tiêu chí, thẩm quyền quyết định, đồng thời theo truyền thống công tác nhân sự của Đảng thì có thể người kế nhiệm sẽ thuộc trường hợp đặc biệt tái cử (có thể là một trong 3 người giữ các vị trí kế tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Bộ Chính trị hiện tại).

Một yếu tố nữa có thể rất quan trọng đã được những người phân tích chính trị chỉ ra, thậm chí có người viết rõ rằng “Tổng Bí thư phải là người Miền Bắc”. Tôi đọc Điều lệ Đảng và các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác nhân sự, thì không thấy có bất cứ quy định nào như vậy. Nhưng tìm hiểu lịch sử ĐCSVN thì chức vụ cao nhất của Đảng (Chủ tịch, Tổng Bí thư, Bí thư thứ nhất) thì đúng là như vậy, hay nói chính xác hơn là đều do người từ Quảng Trị trở về phía Bắc nắm giữ, nhiều nhất là Khu Bốn (Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Lê Khả Phiêu), kế đến là Đồng Bằng Sông Hồng (Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Phú Trọng), trường hợp khá đặc biệt là ông Nông Đức Mạnh (Bắc Cạn, tức là Miền núi Phía Bắc).

Nếu tính về tỉnh, thành phố thì Hà Nội và Hà Tĩnh là những địa phương có nhiều người giữ cương vị Tổng Bí thư nhất (Hà Nội có các ông Đỗ Mười, Nguyễn Phú Trọng, trong khi Hà Tĩnh có Trần Phú và Hà Huy Tập).

Tôi cho rằng, thống kê liên quan đến vùng miền nêu trên chỉ là yếu tố ngẫu nhiên, chứ không phải là “luật bất thành văn” của Đảng.

Lê Kiên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều