Về tay Masan, VinCommerce tăng 40% doanh thu, giảm lỗ một nửa

02/07/2020 20:45

Năm 2019 được xem là năm bản lề của Tập đoàn Masan với việc thực hiện thương vụ sáp nhập VinCommerce. Với hơn 3000 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ cùng khoảng 300 nghìn điểm bán hàng truyền thống, Masan có thể kết nối liền mạch và hiệu quả với gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Về tay Masan, VinCommerce tăng 40% doanh thu, giảm lỗ một nửa

Việc hợp nhất doanh thu hệ thống bán lẻ VinCommerce đẩy doanh thu Tập đoàn Masan tăng 116%, đồng thời ghi nhận khoản lỗ ròng 78 tỷ đồng trong quý I vừa qua. Sau khi mở rộng mạnh mẽ từ 1.000 cửa hàng năm 2017 lên 3.000 cửa hàng vào cuối năm ngoái, hệ thống VinMart/VinMart+ đang bước vào giai đoạn tập trung cải thiện hiệu quả hoạt động.

Ban điều hành của Masan Group hướng đến mục tiêu cải thiện EBITDA của VinCommerce trong cả năm 2020 từ -3% đến mức hòa vốn sau khi đã kéo chỉ số này lên -5% từ mức -10% chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020.

Thương vụ lớn và những thành công ban đầu với VinCommerce (doanh thu tăng trưởng 40% và mức lỗ giảm một nửa trong quý đầu năm) là kết quả nội trội nhưng vẫn còn nhiều thay đổi quan trọng ở các lĩnh vực còn lại của tập đoàn trong năm qua.

Masan Consumer tiếp tục có một năm kinh doanh thành công sau khi tái cấu trúc mô hình kinh doanh từ “bán hàng hóa” thành “xây dựng thương hiệu”. Doanh thu của công ty tăng trưởng 9% nhờ ngành hàng thực phẩm triển khai chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và giới thiệu các sản phẩm mới. Các ngành hàng đồ uống trong đó có nước tăng lực và ngành hàng thịt chế biến tiếp tục tăng trưởng bù đắp cho mức suy giảm của phân khúc cà phê và bia.

Masan đã thực hiện bước đi đầu tiên trong việc mở rộng danh mục sản phẩm sang lĩnh vực chăm sóc các nhân và gia đình bằng việc mua lại 52% cổ phần Công ty Cổ phần Bột giặt Net (Netco). Các sản phẩm tiềm năng khác trong ngành hàng này sẽ được tung ra trong nửa cuối năm nay.

Thị trường hóa mỹ phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình tại Việt Nam có quy mô trên 3 tỷ USD và hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm phần lớn thị phần. Masan tin rằng, thị trường này vẫn còn ở mức sơ khai so với các thị trường phát triển khác và đây là cơ hội để xây dựng các thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Ngành hàng mới này dự kiến chiếm khoảng 5% doanh thu và góp phần vào kế hoạch tăng trưởng doanh thu từ 24% đến 33% của Masan Consumer trong năm 2020, phụ thuộc vào mức độ thành công tiếp theo của chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và giới thiệu các sản phẩm mới. Lợi nhuận của Masan Consumer do đó cũng dự kiến tăng trưởng từ 14% đến 22% so với năm ngoái.

Ngôi sao trong hoạt động của Masan trong năm ngoái là MEATDeli, sản phẩm thịt mát được giới thiệu ra thị trường từ tháng 12/2018 tại miền Bắc. Đến cuối năm 2019, MEATDeli đã tiến vào thị trường miền Nam đánh dấu việc mở rộng thị phần ra cả 2 miềnvà tạo đà tăng trưởng doanh thu. Ngoài hệ thống cửa hàng và đại lý MEATDeli, sản phẩm thịt mát đã phủ sóng các siêu thị Vinmart và Vinmart+, và các hệ thống siêu thị Coopmart, BigC.

Sau tổ hợp chế biến thịt mát tại Hà Nam, một tổ hợp chế biến thịt thứ hai tại Long An đang được hoàn thiện để đi vào hoạt động từ quý 3/2020, cung cấp sản phẩm thịt mát và thịt chế biến ra thị trường phía Nam. Từ mức doanh thu chưa đến 400 tỷ trong năm 2019, Ban lãnh đạo Masan kỳ vọng MEATDeli có thể đóng góp khoảng 20 – 25% doanh thu của Công ty Masan MEATLife trong năm nay, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ra mắt MEATDeli là bước đi của Masan thực hiện mục tiêu cung cấp sản phẩm thịt an toàn, tươi ngon với giá hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam. Thức ăn chăn nuôi là mảng chiếm doanh thu lớn nhất của Masan MEATLife nhưng đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2019 do tác động của dịch tả heo Châu Phi. Năm ngoái, doanh thu thức ăn gia súc giảm 25% nhưng được bù đắp bởi tăng trưởng doanh thu thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản.

Hiện tại phần lớn các địa phương đã đủ điều kiện thông báo hết dịch tả heo Châu Phi và ngành chăn nuôi có thể bước vào giai đoạn phục hồi. Tùy vào mức độ tái đàn chăn nuôi, tăng trưởng doanh thu của công ty có thể đạt từ 14.000 tỷ đồng đến 18.000 tỷ đồng, theo dự kiến của Ban lãnh đạo công ty.

Tại công ty Masan Resources, tập đoàn cũng vừa hoàn thành một bước đi chiến lược trong tầm nhìn đưa Masan Resources trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao thông qua việc mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck.

Đây là nhà chế tạo các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream” (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) như bột kim loại vonfram và vonfram các-bua hàng đầu thế giới. Với các tổ hợp sản xuất tại CHLB Đức, Canada và Trung Quốc, H.C. Starck nghiên cứu và ứng dụng, cũng như vận hành các nhà máy hiện đại, tự động hóa cao để đảm bảo cung cấp cho khách hàng các sản phẩm có chất lượng vượt trội và ổn định.

Thương vụ này giúp Masan Resources tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD. Trong năm nay, doanh thu của Masan Resources có thể đạt từ 8.000 – 9.000 tỷ đồng, cao gấp đôi năm ngoái.

Ánh Dương/NSKT

Tags :
Đọc nhiều