Về những bàn luận xung quanh phát biểu của Thủ tướng: “Thu thuế phải thu được lòng dân”
Nộp thuế là nghĩa vụ của công dân ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do tính chất đặc thù của việc “thu, nộp” mà việc thu thuế thường không dễ dàng và luôn gặp phải nhiều hình thức đối phó hoặc các điều tiếng nhất định. Bác Hồ từng có một câu nói ngắn gọn mà khúc chiết: “Thu thuế phải thu được lòng dân”.
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước và việc thu thuế có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế và xã hội. Ngân sách của một quốc gia ngoài việc dùng chi trả lương cho các công chức thì còn phải “cáng đáng” việc trợ cấp, an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn và người có công, xây dựng điện, đường, trường, trạm, cơ sở hạ tầng, chi tiêu cho các chương trình phát triển…
Tuy nhiên đang tồn tại một tư tưởng là, nộp thuế (tức là mất tiền) ít đi, nhưng lại muốn hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng tốt hơn, trợ cấp xã hội, phúc lợi cao hơn, các dịch vụ công ích nhiều hơn. Các công ty, đối tượng sẽ luôn vui vẻ khi nhận được các chương trình ưu đãi, giảm thuế của Nhà nước, nhưng sẽ luôn luôn tỏ ra khó chịu khi bị tăng thuế cao hơn.
Những nguyên nhân kể trên đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc thu thuế. Ở các nước tiên tiến như Mỹ và châu Âu thường phổ biến khái niệm “trốn thuế”, “lách thuế”. Người trốn nộp thuế sẽ phạt rất nặng, còn các công ty, tập đoàn “lách thuế” bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài để phải nộp thuế cho Nhà nước ít đi thì luôn luôn bị chỉ trích. Tại một quốc gia còn đang phát triển như Việt Nam thì bản thân hệ thống quản lý thuế chưa chặt chẽ làm phát sinh các vấn đề như trốn thuế, thất thu thuế. Đây là nguyên nhân khiến cơ quan quản lý thường phải đặt ra mục tiêu là “bao quát, mở rộng nguồn thu, chống thất thu”. Và điều này luôn bị các đối tượng chống phá xoáy vào để xuyên tạc, gây chia rẽ.
Tại Lễ công bố Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc sáng 21/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại một câu nói của Bác Hồ rằng: “Thu thuế phải thu được lòng dân” và nhấn mạnh “thu được lòng dân (trước) thì sẽ thu được thuế”. Câu nói này nằm trong ngữ cảnh là ngành thuế đang cố gắng “triển khai hóa đơn điện tử, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, giảm tối đa tất cả chi phí cho người nộp thuế, lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ chính là thu lòng dân để thu thuế”. Tuy nhiên, cần hiểu là bản thân Chính phủ cũng đang nỗ lực để “thu lòng dân” thông qua các chính sách hiệu quả. Ví dụ, như các thành tựu chống dịch Covid-19, xây dựng cơ sở hạ tầng, phục hồi kinh tế sau đại dịch. Việc người dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ các chính sách của Chính phủ đồng nghĩa với việc thu thuế chắc chắn sẽ được cải thiện.
Trong khi việc thu thuế mang lại nhiều lợi ích cho đất nước và người dân nhưng luôn luôn gặp khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực của bộ máy Chính phủ, thì thật dễ dàng để một ai đó có ý đồ xấu tung ra các luận điệu tiêu cực về việc này. Thủ đoạn đơn giản nhất là xuyên tạc về ý nghĩa của thuế như cái cách mà Chân Trời Mới Media mới đây “lý luận”: “Thuế là hình thức đóng góp tài chính cho bộ máy quản trị, điều hành của một quốc gia mà các cá nhân, tổ chức ở quốc gia đó bị buộc phải thi hành”. Khi nhìn ở khía cạnh này thì có nghĩa là thuế chỉ để “nuôi bộ máy điều hành”, và hoàn toàn không thấy nhắc đến việc thuế được chi tiêu để mang lại lợi ích cho chính người dân như: cơ sở hạ tầng, phúc lợi, an sinh xã hội. Nếu thuế chỉ để “nuôi bộ máy” thì chẳng mấy người dân có thể chấp nhận, nhưng sẽ rất khác nếu họ hiểu một các đúng đắn rằng nộp thuế càng nhiều, ngân sách càng lớn thì chính họ càng được hưởng lợi.
Góc nhìn lệch lạc trên là tiền đề để Chân Trời Mới Media đưa ra các “phân tích” và “dẫn chứng” sâu hơn nhằm chỉ trích việc thu thuế ở Việt Nam và phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Các thông tin được họ nhắc đến bao gồm việc thu thuế của các cá nhân như “xe ôm, xe lam, người kinh doanh quán cóc, vỉa hè, tài xế công nghệ” với lý lẽ rằng những người này “nghèo” nhưng vẫn bị “truy thu thuế”. Thế nhưng đây lại là một ví dụ khác thể hiện cho việc “thu lòng dân” như Thủ tướng đã nói, đó là tạo ra tính công bằng trong việc thu thuế.
Năm 2020 từng diễn ra một vụ kiện gây xôn xao dư luận, đó là việc công ty taxi Vinasun kiện công ty Grab vì các phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá…gây tổn hại việc kinh doanh của Vinasun. Điều đáng nói là sở dĩ Grab có thể thực hiện được các hoạt động này một phần là vì họ phải chịu thuế quá thấp so với Vinasun, lý do là vì họ có “hoạt động của 1 đơn vị vận tải nhưng lại quản lý theo khung pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử”. Kết quả sau cùng là Vinasun được bồi thường một phần với số tiền 4,8 tỷ và sau này mức thuế cho các hoạt động vận tải của Grab đã được nâng lên cho ngang bằng với taxi truyền thống như Vinasun. Tương tự là câu chuyện của “người kinh doanh quán cóc, vỉa hè, xe ôm, xe lam”, đây là những lĩnh vực dù đa phần có doanh thu tương đối tốt nhưng lại ít bị thu thuế và vừa tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, vừa gây thất thoát của Nhà nước.
Sau khi Nhà nước có các quy định mới để quản lý, truy thu thuế thì phải thừa nhận có những trường hợp người dân bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng không thể vì thiểu số ảnh hưởng này mà làm mất đi tính công bằng của cả xã hội. Khi mất đi tính công bằng thì sẽ có nhiều lĩnh vực bị tổn thương với hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, đơn cử như công ty taxi Vinasun kể trên. Và liệu lập luận của Chân Trời Mới Media có đúng, khi chỉ căn cứ trên một vài thiểu số bị ảnh hưởng để kết luận là chính sách thuế của Nhà nước là sai lầm? Nếu như vậy thì họ sẽ nói ra sao về “thiểu số” những kẻ vi phạm pháp luật bị trừng trị vì những bộ luật hình sự của Nhà nước? Mà xem ra với cái cách bênh vực những kẻ chống phá, phạm pháp như Phạm Đoan Trang, Cù Huy Hà Vũ… lâu nay thì chẳng cần bàn luận nhiều về “tính đúng đắn” của Chân Trời Mới Media nữa.
Phát biểu của Thủ tướng về “thu lòng dân” còn thể hiện ở một khía cạnh khác mà Chính phủ cũng luôn nói đến, đó là “nuôi dưỡng nguồn thu”. Nếu Nhà nước thu thuế không hợp lý, để doanh nghiệp và những người kinh doanh bị thiệt hại, phá sản thì làm sao Nhà nước có thể tiếp tục thu được thuế? Và nuôi dưỡng nguồn thu cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ luôn có các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn để họ tiếp tục phát triển. Cũng như với các trường hợp thiểu số bị ảnh hưởng kể trên, nếu có kiến nghị thì chắc chắn Nhà nước sẽ xem xét để có các biện pháp điều chỉnh nhất định.
Theo thống kê thì thu ngân sách Nhà nước liên tục tăng trong những năm gần đây, ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh, cho thấy “nguồn thu” được “nuôi dưỡng” vẫn rất dồi dào, và điều này là minh chứng không thể phủ nhận cho thành công của Chính phủ trong việc “thu lòng dân”.
An Diễm