Về lợi ích của Luật Căn cước đối với người dân

Đông Duy 01/12/2023 17:23

Luật Căn cước được Quốc hội thông qua ngày 27/11 quy định rõ, thẻ căn cước công dân (CCCD) đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ.

Bộ Công an đề xuất cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho trẻ em dưới 6 tuổi
Bộ Công an đề xuất cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho trẻ em dưới 6 tuổi

Ngày 27/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật gồm 7 chương, 46 điều. Theo đó, về quy định chuyển tiếp, Luật Căn cước mới vừa được thông qua đã nêu rõ, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Trường hợp chứng minh thư nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước cấp theo quy định của luật này.

Quy định chuyển tiếp

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với căn cước công dân và chứng minh nhân dân tại khoản 3 Điều 46 như sau: “Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024”.

Theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 45 quy định về hiệu lực thi hành như sau: “Quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024”; đồng thời chỉnh lý một số nội dung của Điều 45 và Điều 46 bảo đảm cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế.

Tên gọi Luật Căn cước thể hiện tính khoa học, bao quát

Theo ông Tới, có ý kiến cho rằng thời gian qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của căn cước, vì vậy đề nghị cân nhắc về tên gọi của luật, đồng thời, đề nghị không đổi tên luật và tên thẻ thành căn cước.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Tuy nhiên, theo ông Tới, qua thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu và ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng ý với tên gọi của dự thảo luật và tên căn cước đã được giải trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, việc đổi tên thành căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.

Ông Tới cũng cho biết nội dung này Đảng đoàn Quốc hội đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước, thẻ căn cước như Chính phủ trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.

Có thể thấy, Luật Căn cước được xây dựng với mục tiêu mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người dân, giảm thiểu và rút ngắn tối đa thủ tục hành chính nhằm giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Tuy nhiên, lại có những luận điều cho rằng việc sửa đổi gây ra sự phiền hà, phức tạp, người dân phải đổi căn cước nhiều lần. Thậm chí một số ý kiến cho rằng Bộ công an thay đổi nhiều để chiếm dụng ngân sách nhà nước. Thực chất, đây là những cáo buộc vô căn cứ và thiếu cơ sở.

Nhìn lại quá khứ, Luật Căn cước công dân được ban hành năm 2014, đến nay đã gần 10 năm. Trong thời gian này, tình hình kinh tế – xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước là cần thiết để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Các điểm mới của Luật Căn cước được sửa đổi, bổ sung đều mang tính chất tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư dân, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân. Việc bổ sung thêm một số thông tin trên thẻ căn cước như số định danh cá nhân, ảnh chân dung, vân tay,… giúp xác định danh tính công dân một cách chính xác, tin cậy hơn, phục vụ cho các giao dịch hành chính và cuộc sống hàng ngày.

Hơn nữa, việc cấp thẻ căn cước mới cũng không bắt buộc đối với tất cả các công dân. Những người có thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân còn thời hạn vẫn có giá trị pháp lý như căn cước mới. Như vậy, quá trình chuyển đổi từ Căn cước công dân sang Thẻ căn cước thứ nhất không gây tốn kém chi phí cho người dân và thứ hai, sẽ được thực hiện trong quá trình dài. Những chi phí phát sinh theo đó cũng không lớn, mà đổi lại là sự tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian.

Những khoảng thời gian được tiết kiệm đó chính là hiệu suất tăng cao của các cơ quan nhà nước, cũng là giảm thiểu thời gian di chuyển, đi làm thủ tục, đều có thể quy thành tiền bạc của người dân và ngân sách. Như vậy chẳng phải là một khoản “hời” rất lớn cho tất cả mọi người hay sao?

Đông Duy

Đọc nhiều