419
category
515652

Về chuyện sân si với anh hùng

06/05/2021 17:33

Hôm trước đọc ở đâu đó một bài viết về sự ra đi của bạn sinh viên Nguyễn Văn Nhã sau khi cứu 4 bạn nữ sinh viên khỏi tay của “thần biển”, có một vài bình luận nói rằng, sự ra đi của Nhã là một sự hi sinh đầy bao đồng, để lại một khoảng trống mênh mông trong lòng bố mẹ và gia đình, còn những người được cứu chưa chắc đã biết ơn và họ sẽ nhanh chóng quên đi để sống tiếp. Có một vài người độc mồm hơn, nói Nhã là một người “bất hiếu với gia đình”, chữ “hiếu” là nặng nhất mà bạn Nhã lại không làm tròn được. Thú thực là, một bộ phận cộng đồng mạng đã rất tàn nhẫn và vô tâm.

Mặc dù Nguyễn Văn Nhã đã ra đi nhưng hành động của cậu ấy sẽ sống mãi trong lòng người ở lại.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền cơ sở công nhận bạn Nguyễn Văn Nhã là một liệt sĩ. Ngay sau đó có một vài bình luận tại một số diễn đàn hóng biến nói rằng việc công nhận liệt sĩ chỉ dành cho quân nhân khi làm nhiệm vụ, không dành cho dân thường, rồi chính quyền sử dụng danh hiệu ấy tràn lan, dùng để tuyên truyền là chính. Nhưng họ không biết rằng, tại Điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. sửa đổi năm 2012 có ghi rõ, người được phong tặng danh hiệu liệt sĩ nếu họ “dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”. Vậy mà tại một trang báo chí phản động, còn giật tít: “Người hùng chết đuối còn chính quyền treo huy chương tuyên truyền” và một đám người được thế lao vào hạ thấp sự ra đi của bạn Nhã.

Tối qua, Đại học Huế làm lễ tưởng niệm và vinh danh bạn Nhã ngay tại khuôn viên trường, nơi mà người anh hùng trẻ tuổi của chúng ta đã gắn bó trong mấy năm học. Cả nhà trường và gia đình đều có nguyện vọng tấm bằng tốt nghiệp sẽ xuất hiện trên ban thờ của bạn ấy. Khi tất cả đang bày tỏ niềm tiếc thương, xúc động thì lại tiếp tục xuất hiện một vài ý kiến cho rằng trường và các bạn sinh viên làm màu, không lo chống dịch mà lại tập trung đông, người mất rồi thì hỗ trợ tiền hay làm gì thiết thực hơn đi.

Đã rất nhiều lần, có những sự phán xét rất lạ kỳ, hay đúng hơn là rất dở hơi của một bộ phận cộng đồng mạng. Câu chuyện của anh Trần Văn Tròn cứu 3 em học sinh, rồi vụ việc anh Mạnh cứu cháu bé rơi từ trên tầng cao xuống,… Họ dường như là luôn muốn hạ thấp những việc mà người khác làm, cho dù những việc đó cao thượng thế nào đi chăng nữa. Điều gì khiến một số người trong cộng động làm vậy? Dân trí kém? Hay vì một điều gì khác? Có người hỏi rằng khi quyết định xả thân cứu người, họ có nghĩ gì không? Có biết sẽ nguy hiểm ra sao? Phải đánh đổi nhường nào không? Rất nhiều giả thuyết phức tạp được đặt ra, nhưng câu trả lời đơn giản lắm: Họ chả nghĩ cái gì hết. Thấy người bị nạn, thì cứu, có vậy thôi. Thời gian đâu mà suy tính thiệt hơn….

Việc chính quyền xét danh hiệu liệt sĩ cho bạn Nhã là một việc rất phù hợp với pháp luật, đạo đức và dư luận. Việc này nhằm hỗ trợ cho gia đình bạn ấy trong cuộc sống sau này, khuyến khích một lối sống tốt đẹp và là một sự ghi nhận lớn lao về những gì mà bạn ấy đã làm cho người khác. Chứ chẳng phải một mục đích quảng bá hay trục lợi gì cả. Cuộc sống của bạn đen tối và hằn học, nhưng với người khác thì không như vậy, đừng có cố gắng phủ bóng đen suy nghĩ chủ quan bản thân vào người khác.

Dám chắc rằng, với cá nhân bạn Nhã, những chiến sĩ cứu hỏa, hay với bất cứ ai xả thân cứu người, họ sẽ không hề nghĩ đến việc được vinh danh như thế nào, nhận tiền hay hiện vật ra sao. Và với tâm thế của những người như chúng ta, cả những người được cứu sống, việc cần làm là phải vinh danh họ và chỉ duy nhất một điều ấy mà thôi, không xét lại, không đánh giá, không hạ thấp, không moi móc đời tư hay bàn luận về cuộc sống nhiều.

Lỗ Tấn viết: “Người ta chỉ chết hẳn khi họ chết trong lòng những người còn sống”. Các ngôi sao có thể chết nhiều năm trước khi chúng thực sự biến mất giữa vũ trụ. Phải mất nhiều thời gian để ánh sáng của chúng mờ đi, có nhiều ngôi sao vẫn được chúng ta nhìn thấy ngay cả khi chúng đã lụi tàn. Cuộc sống có thể kết thúc, nhưng ký ức về cuộc sống đó vẫn tiếp tục.

Tifosi

* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều