Về chiêu trò “bới lông tìm vết” trong phát biểu chống dịch của Thủ tướng
Mới đây, khi phát biểu trong phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn nêu rõ những mặt mạnh và yếu của hệ thống y tế Việt Nam. Với những điểm yếu đã thấy, Thủ tướng đã nhấn mạnh một số giải pháp, tuy nhiên, có không ít đối tượng và trang mạng đã đăng đàn cho rằng “quá chậm trễ trong phát hiện thiếu sót của ngành y tế, trong khi hàng loạt chuyên gia đã chỉ ra từ đợt dịch lần thứ nhất”,…
Nếu theo dõi xuyên suốt công tác chống dịch thời gian qua sẽ thấy rõ, không phải đợi đến sau đỉnh dịch, Thủ tướng mới chỉ ra yếu kém của ngành y tế mà người đứng đầu Chính phủ luôn theo sát từng diễn biến ở từng địa phương để có chỉ đạo cụ thể. Từ Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai đến tận Kiên Giang, Thủ tướng vẫn luôn sâu sát, đánh giá tình hình và chỉ đạo giải pháp kịp thời. Đã có những cuộc họp khẩn, yêu cầu Bộ y tế nâng cao năng lực xét nghiệm và bóc tách F0 khẩn cao. Rồi chuyến đi thị sát chính quyền và nhân dân TP.HCM, Bình Dương chống dịch với những cuộc gọi vào đường dây nóng của y tế phường để kiểm tra khả năng đáp ứng. Hầu như tất cả những yếu kém của hệ thống y tế đã thấy được trong quá trình chống dịch và Thủ tướng đã có những chỉ đạo khắc phục ngay tại thời điểm đó.
Ngay sau những chỉ đạo khẩn trương đó thì hầu như các địa phương đều có những giải pháp cho riêng mình. Đơn cử như “tâm dịch” TP,HCM đã có thảo luận giải pháp tăng lương, đãi ngộ cho các điểm y tế cấp phường/xã. Sở Y tế đề xuất mức hỗ trợ đối với bác sĩ 5 triệu đồng/người/tháng và tăng không quá 20 biên chế cho 1 trạm y tế. Đồng thời, các bệnh viện cũng tổ chức khen thưởng kịp thời cho nhân viên y tế có cống hiến xuất sắc. Ngoài ra, nhiều trạm y tế còn tăng cường đầu tư giường bệnh, máy thở, vật tư y tế khác. Mục đích là giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại trạm y tế, nâng cao năng lực và hiệu quả của y tế dự phòng, kịp thời ứng phó với dịch bệnh.
Dựa trên báo cáo của Bộ Y tế về các khoản chi ứng phó với đại dịch, hiện nay cũng đã có đề xuất gói củng cố hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng, gồm 6 hạng mục chi cho phòng dịch, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu; chi hỗ trợ người nhiễm bệnh cách ly (xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly, chi trực tiếp cho điều trị bệnh nhân) khoảng 14.000 tỷ đồng; chi xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, mua vaccine để thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân khoảng 32.000 tỷ đồng; chi nghiên cứu vaccine, thuốc chữa bệnh khoảng 8,8 tỷ đồng; chi y tế cho phòng dịch và điều trị F0 khoảng 18.500 tỷ đồng. Nói để thấy, Việt Nam đã có kế hoạch hành động kỹ lưỡng, hẳn hoi chứ không hề chậm trễ như một số đối tượng đang rêu rao.
Trước diễn đàn có chính quyền 63 tỉnh/thành và 30 điểm cầu quốc tế tham dự, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh giải pháp “có kế hoạch bảo đảm vaccine và thuốc điều trị” một cách rất tự tin. Bởi lẽ, Việt Nam đang làm rất tốt công tác ngoại giao vaccine và đã có sẵn kế hoạch vaccine và thuốc điều trị. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng số vaccine đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng hơn 200 triệu liều. Đến hết ngày 3/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vaccine, trong đó có gần 71,5 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước và hơn 79 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ. Đó là kết quả của quá trình ngoại giao vaccine khôn khéo suốt nhiều tháng nay của Việt Nam để mang về được nguồn vaccine quý giá, góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân. Về thuốc điều trị, tính đến ngày 2/12, Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu sử dụng và tiến hành phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương các loại thuốc gồm Remdesivir (đã phân bổ hơn 514.000 lọ); Favipiravir (có quyết định phân bổ 2 triệu viên); Casirimab + Imdevimab (170 lọ thuốc); thuốc Molnupiravir đang được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt… Đó là một nỗ lực rất lớn của cả Chính phủ Việt Nam mà chúng ta có thể cảm nhận được.
Một tin vui cho người dân là Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine phòng Covid-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vaccine của Cuba, Ấn Độ… Cùng với đó, việc nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 cũng đã được tiến hành từ năm 2020, cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước. Đặc biệt, trong cả hai chuyến công du nước ngoài gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều hướng trọng tâm về việc xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine, đẩy mạnh sản xuất thuốc điều trị. Đây là những bước đi khôn ngoan để Việt Nam vừa chủ động nguồn vaccine cho chiến dịch tiêm chủng, tăng cường khả năng điều trị bệnh nhân Covid-19 và vừa có khả năng cung cấp vaccine, thuốc điều trị cho các nước khác trên thế giới.
Nói đi cũng phải nói lại, để có những giải pháp đúng, kịp thời, hiệu quả thì Chính phủ cũng luôn tôn trọng, cầu thị tiếp thu ý kiến của giới chuyên gia chứ không phải chỉ hành động một mình. Thế nên, chúng ta mới thấy những giải pháp áp dụng với ngành Y đều đạt hiệu quả nhất định. Hơn nữa, Bộ y tế cùng các địa phương hiện đang chủ động các giải pháp ứng phó dịch bệnh để không bị động bất ngờ, những thiếu sót đều được thẳng thắn nhìn nhận và nhanh chóng khắc phục. Thế nên, chỉ có những kẻ chuyên chầu chực, “bới lông tìm vết” nhằm bêu riếu chính quyền nước mình, ly gián niềm tin của người dân vào đất nước mới có những luận điệu hằn học như vậy. Mà nói thẳng, với những con người luôn sẵn não trạng tiêu cực thì không thể nào làm được gì tốt đẹp cho đất nước và nhân dân Việt Nam được đâu.
Đặng Trường