Vệ binh Afghanistan bị sa thải, lẩn trốn tức tưởi sau khi hộ tống các quan chức Anh di tản an toàn

22/08/2021 19:13

Chính phủ Anh đã có quyết định “quay xe” 180 độ sau khi bị chỉ trích vì từ chối bảo trợ 125 nhân viên an ninh Afghanistan từng bảo vệ Đại sứ quán nước này tại Kabul.

Theo báo The Guardian (Anh), chính phủ Anh hứa toàn bộ 125 nhân viên an ninh này sẽ được cấp phép nhập cảnh vào Anh.

Anh đảo ngược quyết định “bỏ rơi” nhân viên Afghanistan gây tranh cãi

Quyết định trên được đưa ra sau khi London vấp phải chỉ trích gia tăng do từ chối đơn đề nghị hỗ trợ từ các thành viên người Afghanistan trong đội ngũ an ninh của Đại sứ quán Anh tại Kabul, với lý do các nhân viên này được thuê bởi một nhà thầu thứ ba.

Trước đó, tờ Guardian đưa tin vào ngày 19/8 rằng phần lớn trong nhóm 125 nhân viên an ninh trên đã nhận thông báo không đủ điều kiện cho chương trình di tản khẩn cấp của Anh bởi họ là nhân viên của hãng an ninh quốc tế GardaWorld (Canada) chứ không “được tuyển dụng trực tiếp bởi chính phủ Anh”.

Người phát ngôn chính phủ Anh tối ngày 20/8 nói, “Chúng tôi sẽ hỗ trợ tất cả các nhân viên an ninh người Afghanistan có hợp đồng bảo vệ Đại sứ quán qua công ty GardaWorld. Họ sẽ được cho phép nhập cảnh vào Vương quốc Anh và chúng tôi đang làm việc thông qua vấn đề hậu cần đầy thách thức để đưa họ ra khỏi Kabul.”

Vệ binh Afghanistan bị sa thải, lẩn trốn tức tưởi sau khi hộ tống các quan chức Anh di tản an toàn - Ảnh 1.
Ngày 15/8, Lữ đoàn xung kích số 16 của Không quân Anh đã đến Kabul, Afghanistan để hỗ trợ các công dân Anh rời Afghanistan. (Ảnh: Reuters)

Vào đêm ngày 14/8 – gần một ngày trước khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, các nhân viên cảnh vệ người Afghanistan đã hộ tống các nhà ngoại giao Anh đến sân bay Kabul an toàn để chuẩn bị sơ tán.

Tuy nhiên, khi những cảnh vệ Afghanistan này hoàn thành nhiệm vụ hộ tống, một số người trong số họ đã được thông báo qua điện thoại: Do Đại sứ quán Anh sẽ bị đóng cửa, Vương quốc Anh sẽ không cần sự phục vụ của họ nữa. Những cảnh vệ này cũng bị yêu cầu phải trả lại máy tính, áo giáp chống đạn và máy bộ đàm đã được phân phát.

Một số cảnh vệ tỏ ra lo ngại vào ngày 20/8 khi một báo cáo của BBC cho rằng họ đã được đoàn xe đưa đến sân bay Kabul để di tản.

“Điều đó là không đúng. Chúng tôi không nhận được tin tức gì về việc di tản,” quản lý đội ngũ tại Kabul nói với The Guardian. Một trong các nhân viên cho biết vẫn đang ẩn náu tại Kabul và chưa được liên hệ bởi các quan chức Anh hay GardaWorld.

“Không có ai được cử đến để hộ tống chúng tôi ra sân bay,” anh này nói. Những cảnh vệ người Afghanistan e ngại rằng làm việc cho Đại sứ quán Anh sẽ khiến họ trở thành mục tiêu của Taliban.

Bị sa thải sau khi… hoàn thành nhiệm vụ

The Guardian cho hay, rất nhiều lính cảnh vệ cảm thấy “bị các quan chức và người chủ sử dụng lao động Anh bỏ rơi.” Một số nhân viên cảnh vệ đã làm việc cho Đại sứ quán Anh hơn 10 năm. Hiện nay rất nhiều người đều buộc phải lẩn trốn vì lo sợ tính mạng của mình sẽ gặp nguy hiểm.

“Họ nói rằng Đại sứ quán (Anh) không còn cần dịch vụ của GardaWorld nữa, vì vậy công việc của các bạn đều sẽ bị chấm dứt,” một nhân viên an ninh kể lại. “Không ai hỏi liệu chúng tôi có an toàn hay không, và không ai quan tâm đến việc tính mạng của chúng tôi liệu có gặp nguy hiểm hay không.”

Một cảnh vệ phàn nàn: “Chúng tôi đang làm công việc nguy hiểm nhất trên tuyến đầu để bảo vệ sự an toàn của các quan chức Anh. Chúng tôi đã mạo hiểm tính mạng vì họ, nhưng giờ chúng tôi thấy mình đang rơi vào một tình huống tồi tệ. Không chỉ bản thân chúng tôi mà cả gia đình chúng tôi cũng đang trong tình trạng nguy hiểm.”

Vệ binh Afghanistan bị sa thải, lẩn trốn tức tưởi sau khi hộ tống các quan chức Anh di tản an toàn - Ảnh 2.
Các công dân Anh và người song quốc tịch lên máy bay di tản khỏi thủ đô Kabul, Afghanistan (Ảnh: LPhot Ben Shread/Ministry of Defence)

Oliver Westmacott, chủ tịch mảng kinh doanh Trung Đông của GardaWorld cho biết, dù thư chấm dứt hợp đồng chính thức chưa được ban hành nhưng trên thực tế, sau ngày 14/8, công ty đã cho những nhân viên được thuê quay về nhà.

Ông Westmacott thừa nhận, những cảnh vệ này vẫn là nhân viên của công ty và họ sẽ đảm bảo rằng những người này có thể được trả lương cho đến ngày khi thông báo chính thức được đưa ra, công ty cũng sẵn sàng trả tiền thôi việc.

“Tôi hoàn toàn hiểu hoàn cảnh khó khăn, khốn cùng của những người đáng thương này. Thật là một cơn ác mộng khi cố gắng sắp xếp cuộc sống của mình trong hoàn cảnh tuyệt vọng,” ông này nói, nhấn mạnh rằng công ty vẫn cần làm việc với khách hàng – đó là Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh cùng phối hợp để xác định mức bồi thường cụ thể sẽ được đưa ra là bao nhiêu, “nếu không, chúng tôi có thể mất tiền.”

Ngoài 125 vệ sĩ này, còn có một số phiên dịch và nhân viên công tác khác cũng được GardaWorld tuyển dụng để phục vụ Đại sứ quán Anh tại Afghanistan, với tổng số khoảng 160 người. Những người này đều đã nộp đơn cho dự án Chính sách hỗ trợ và tái định cư Afghanistan (ARAP) do chính phủ Anh thực hiện. Dự án này được triển khai nhằm mục đích giúp những người làm việc cho các tổ chức của Vương quốc Anh.

The Guardian cho biết, chính phủ Anh đã thuê dịch vụ an ninh của nhà thầu bên ngoài nhằm đảm bảo công tác an ninh của tất cả các Đại sứ quán Anh ở nước ngoài từ nhiều thập kỷ trước.

Về vấn đề này, Nick Thomas-Symonds, thành viên Quốc hội Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland tuyên bố, việc để hơn 100 lính cảnh vệ Đại sứ quán Anh lưu lại và không được bảo vệ ở Kabul, là một “sự phản bội đáng xấu hổ” đối với những người Afghanistan đã từng giúp đỡ Anh.

Lưu Bình

Tags :
Đọc nhiều