Về 3 triệu USD và con gái ông Nguyễn Bắc Son
Chuyện con gái ông Nguyễn Bắc Son phủ nhận việc nhận 3 triệu USD từ bố khiến nhiều người quở trách con gái ông Son bất hiếu. Vậy nhưng cũng có thể đây là một bài toán pháp lý được tư vấn kỹ. Nếu đúng vậy, Luật sư tư vấn là người rất cao tay.
Lý do là nếu con gái ông ấy nhận là đã cầm 3 triệu đô từ cha, dù nộp lại trong quá trình điều tra, thì mức án theo luật, vẫn là tử hình và ân giảm nhờ thành khẩn, khắc phục. Nhưng, khi đó CQĐT chắc chắn sẽ dấn đến chỗ cô con gái biết đó là tiền bất chính mà vẫn cầm. Và con gái ông Son có thể bị tù, nhà cửa tài sản khác của cô này sẽ bị phong toả kê biên như nhà Trương Minh Tuấn.
Giờ không thừa nhận, chờ toà tuyên xong. Lúc này không phải là nộp lại tiền phạm tội, mà là khắc phục hậu quả. Chỉ cần nộp 2,3 triệu đô trở lên thì có thể ông ấy được giảm còn chung thân vì gia đình đã cố gắng khắc phục 3/4 hậu quả, mà con ông ấy không vướng vòng lao lý.
Nên, khoan đã nhận định cô con gái là bất hiếu, lấy hết tiền để mặc bố chết!
Chờ xem giờ cuối!
Như trong vụ Ocean Bank, Toà án cấp cao tại Hà Nội tuyên y án tử hình Nguyễn Xuân Sơn về 3 tội danh: cố ý làm trái; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài gần 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng tại bản án này, HĐXX kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Sơn từ tử hình xuống chung thân sau khi đã khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả.
Theo đó bị cáo đã rất thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, nhất là trong giai đoạn phúc thẩm. Bị cáo và gia đình có nhiều thành tích, là gia đình có công với cách mạng; thể hiện ý chí muốn khắc phục hậu quả… Vì vậy, HĐXX kiến nghị Cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội cần phân định tài sản của bố, mẹ, vợ Nguyễn Xuân Sơn để họ có thể dùng tài sản này khắc phục hậu quả cho bị cáo.
Theo khoản c điều 40 bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt tử hình thì: người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ; khi đó, Chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân.
Hướng dẫn thực hiện quy định này, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2016 trong đó, khoản 1 điều 2 quy định người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án tử hình mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, gồm: Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn.
Vì vậy, ông Son sẽ không chết, con gái ông ấy không bị tù và vẫn còn 750 ngàn USD.
FB Nguyễn Đức Hiển