Vắt sức làm việc thâu đêm, cái giá cho vị thế quốc gia
Tăng số giờ lao động để đẩy mạnh tăng trưởng là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều nước.Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đứng trước nguy cơ chưa giàu đã già, kinh tế chưa qua bẫy thu nhập trung bình mà thời kỳ dân số vàng sắp hết.
Lao động không kể thời gian
Theo Clockify, số giờ làm việc trung bình tại các nước phát triển đã giảm mạnh từ 3.000 giờ mỗi năm (57,5 giờ mỗi tuần) trong năm 1870 xuống còn khoảng 1.500-2.000 giờ (28,8-38,5 giờ mỗi tuần) vào năm 1990. Xu hướng giờ làm đang tiếp tục giảm xuống. Công nhân toàn dụng hiện làm việc ít hơn 20-30 giờ mỗi tuần so với trong thế kỷ 19.
Số giờ làm trung bình thường khá thấp ở các nước đã phát triển và cao ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hai nước phát triển thuộc top đầu thế giới nhưng số giờ làm việc trung bình rất cao.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Nhật Bản là một trong những nước có tình trạng làm việc thâu đêm. Thậm chí, tại nước này còn có hẳn một khái niệm karoshi để chỉ ra thực trạng làm việc đến chết. Nó có nghĩa là chết vì làm việc quá sức (death by overwork).
Theo thống kê chính thức, người Nhật chỉ làm trung bình khoảng 1.710 giờ mỗi năm, tương đương khoảng 33 giờ/tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, số giờ làm việc cao hơn rất nhiều bởi nước này không có quy định về giới hạn tối đa giờ làm việc hàng tuần và không giới hạn giờ làm thêm.
Theo CNBC, theo một khảo sát của chính phủ Nhật năm 2016, có tới gần 1/4 số doanh nghiệp nước này yêu cầu người lao động làm việc thêm 80 giờ mỗi tháng và số lượng giờ làm thêm này thường không được trả tiền.
Một khảo sát bởi Expedia cho thấy, trung bình người lao động không dùng đến 10 trong số những ngày nghỉ phép. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là làm việc nhiều không đồng nghĩa với năng suất cao. Trên thực tế, theo OECB, Nhật có năng suất thấp nhất trong số 7 nước thuộc G7.
Mỗi năm, chính phủ Nhật ghi nhận vài trăm cho tới cả ngàn trường hợp tử vong do stress công việc. Con số thực tế được cho là cao hơn gấp nhiều lần.
Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia phát triển có thời gian làm việc dài nhất thế giới. Hồi đầu 2018, quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật giảm thời gian làm việc theo quy định cho người làm việc tại nước này từ tối đa 68 giờ/tuần xuống còn 52 giờ tuần để tăng năng suất lao động và tỷ lệ sinh đẻ sau khi tỷ lệ sinh tại nước này xuống mức thấp nhất thế giới.
Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc có số lượng giờ làm việc chính thức trung bình không cao, khoảng 2.000 giờ mỗi năm (tương đương 38 giờ/tuần), nhưng việc làm thêm giờ là rất lớn cho dù có quy định số giờ làm việc tối đa.
Đài Loan có số lượng giờ làm việc cao thứ 4 thế giới trong năm 2018 và thứ 2 tại châu Á trong danh sách 40 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc OECD. Theo Bộ Lao động Đài Loan, số giờ làm việc trung bình năm là 2.033 giờ (ít hơn 2 giờ so với 2017), tương đương 39,1 giờ/tuần. Đài Loan chỉ xếp sau Singapore, Mexico và Costa Rica.
Số liệu cho thấy, Singapore dẫn đầu với 2.330 giờ/năm (44,8 giờ/tuần) trong năm 2018. Mexico là 2.035 giờ/năm, Costa Rica 2.121 giờ (40,8 giờ/tuần).
Theo Taiwannews, trong 10 năm qua, từ 2008 đến 2018, Đài Loan giảm số lượng giờ làm trung bình 122 giờ mỗi năm, trong khi đó Hàn Quốc giảm được 204 giờ, Nhật giảm 91 giờ và Costa Rica giảm 271 giờ.
Những quốc gia “lười nhất”
Trái ngược với châu Á, châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông là nơi có số lượng giờ làm trung bình thấp.
Theo Clokify, trong năm 2019, người Mỹ làm việc với số giờ trung bình ước tính khoảng 1.764 giờ mỗi năm (tương đương 33,9 giờ mỗi tuần), con số này giảm khá nhiều so với mức 1.790 giờ (34,4 giờ mỗi tuần) trong giai đoạn 2010-2015 (theo OECD).
Tuy nhiên, so với nhiều nước châu Âu, Mỹ chưa phải “lười nhất”. Nhiều quốc gia như Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan,… đều làm ít hơn nhiều so với người Mỹ. Đặc biệt, Đức là quốc gia có số giờ làm việc trung bình thấp nhất thế giới. Ước tính trong năm 2019, người Đức làm việc 1.371 giờ (tương đương 26,4 giờ mỗi tuần).
Với người Đức, mỗi tuần người lao động chỉ làm việc 5 ngày và mỗi ngày khoảng hơn 5 tiếng. Hơn nữa, chỉ khoảng 5% người số người lao động làm việc nhiều giờ.
Bên cạnh đó, Đức cũng quy định giờ làm việc trung bình tối đa là 8 giờ/ngày và một ngày không được làm việc quá 10 giờ. Chủ Nhật và ngày lễ không được phép làm việc, ngoại trừ một số loại công việc như cứu hỏa, y tế, lưu trú,… Đây là những quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn là người lao động.
Việc quy định số giờ lao động hàng tuần tối đa cũng như tối thiểu ở mỗi nước là khác nhau, phụ thuộc vào thực trạng nền kinh tế và các vấn đề xã hội của nước đó, như mức độ phát phát triển, độ tuổi trung bình người dân, văn hóa lao động,…
Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nhưng đứng trước nguy cơ chưa giàu đã già, chưa qua bẫy thu nhập trung bình mà thời kỳ dân số vàng đã sắp qua đi. Việc đẩy mạnh tăng trưởng là cần thiết. Tuy nhiên, việc sử dụng lao động như nào cho hợp lý và phù hợp với chiến lược phát triển chung là cần thiết.
Nhiều người cho rằng, sự chăm chỉ là bắt buộc khi mà đất nước còn nghèo, năng suất lao động còn thấp, người dân chưa tích lũy được bao nhiêu,… Tuy nhiên, không ít ý kiến phản đối việc vắt sức lao động khiến con người chịu nhiều áp lực và gây ra tình trạng như stress, tự tử, hay năng suất lao động thấp đi như ở Nhật, giảm tỷ lệ sinh ở Hàn,…
Việc tăng cường giáo dục để có lực lượng lao động trình độ cao hơn nhằm áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất là cần thiết để tăng năng suất lao động, đồng thời giảm áp lực lên con người. Vấn đề là không phải làm bao nhiêu thời gian mà là làm như thế nào và kết quả ra sao.
Trên thực tế, tại Đức, không hẳn lao động ít là lười và hiệu quả thấp. Đức là quốc gia có năng suất lao động cao hàng đầu thế giới và là nền kinh tế số 1 châu Âu, cung cấp nhiều hàng hóa và công nghệ tiên tiến cho thế giới.
Sự đa dạng của nền kinh tế cũng giúp cho người lao động có nhiều lựa chọn giảm thời gian lao động chính. Tại Đức, công việc bán thời gian khá phổ biến. Người Đức có thể làm thêm một số việc họ cảm thấy thích thú. Đây cũng là lý do khiến số giờ làm việc trung bình của người lao động nước này thấp. Hoạt động vui chơi giải trí và sinh hoạt cộng đồng đầy đủ giúp người Đức đạt hiệu quả lao động ít nước nào sánh được.
M. Hà/Vietnamnet