Bất chấp những khó khăn, thử thách do nền kinh tế toàn cầu biến động trong suốt đại dịch. Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia tiềm năng, môi trường kinh doanh sôi động, là nơi thu hút được nguồn FDI dồi dào.
Giờ đây, khi kinh tế thế giới đang dần xoay chiều, phát triển trở lại sau tháng ngày giãn cách, đóng cửa biên giới thì Việt Nam lại càng được giới đầu tư, truyền thông thế giới đánh giá sẽ trở thành “Công trường sản xuất mới của thế giới”. Không những thế, dự đoán GDP của Việt Nam từ 2022 trở đi cũng được xem là quốc gia có tốc độ hồi phục bất ngờ ở mức từ 6.6 – 7.5%/năm.
Theo Sputnik, năm 2021, thu hút FDI của Việt Nam vẫn đạt nhiều tín hiệu tích cực. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục, nhiều mặt hàng “made in Vietnam” soán ngôi hàng “made in China” và ngày càng hiện hữu với số lượng, thị phần lớn trên trường quốc tế, tâm thế, vị thế của hàng hóa Việt Nam nhất là khối FDI ngày càng được nâng cao. Với việc các dự án FDI đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn hàng trăm triệu USD ngay những ngày đầu năm 2022 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam.
Riêng trang Reuters đưa ra nhận định, sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, vị thế đất nước được nâng lên.
Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao năng lực nội tại và hiệu quả của toàn nền kinh tế, kết hợp với chính sách phục hồi, phát triển chủ động, linh hoạt, chiến lược ứng phó với dịch bệnh và các thách thức phi truyền thống ngày càng kịp thời, đúng đắn hơn, trang Reuters viết.
Không những thế, trang DigiTimes của Đài Loan vừa qua cũng đã có bài viết phân tích tình hình kinh tế Việt Nam, trong đó đánh giá dù phải trải qua năm 2021 đầy thách thức nhưng kinh tế Việt Nam đã không bị kìm hãm do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, mà vẫn tiếp tục duy trì triển vọng tích cực, giữ vững vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu trong năm 2022.
Trang DigiTimes nhấn mạnh, Việt Nam đã sử dụng các hiệp định thương mại tự do như một công cụ để đảm bảo sức mạnh kinh tế và an ninh tài chính, động thái giúp đảm bảo sự phát triển kinh tế của đất nước tiếp tục chuyển hướng từ xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thấp và sản phẩm cơ bản sang các sản phẩm công nghệ cao phức tạp hơn như điện tử, máy móc, phương tiện và thiết bị y tế.
Ngay cả khi dịch bệnh bùng phát, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết sẽ giúp Việt Nam tăng cường số lượng và chất lượng hoạt động thương mại và đầu tư, đa dạng hóa đối tác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Sau những ngày tháng trượt dài trong khủng hoảng, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhắc đến như “tấm gương sáng” vì duy trì được mức tăng trưởng dương. Bất chấp việc đóng cửa các nhà máy bởi giãn cách xã hội, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt thành tích vô cùng ngoạn mục: tăng 19% vào năm 2021 lên mức là 336 tỷ USD. Ngay cả mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không giảm nhiều, mặc cho những thách thức đến từ biến thể Delta. Điều đó khẳng định Việt Nam chính là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo The Star, kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi từ cuối quý 1/2022. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023.
“Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý 1/2022. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Ngoài ra, ông David Dapice, Giáo sư kinh tế đại học Harvard cũng dự đoán tương tự, ngành du lịch Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi, dần dần quay về vị thế như năm 2019, sau khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Xuất khẩu sẽ tăng khoảng 15% và cán cân thương mại sẽ vẫn ở mức dương. Lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp và tiền VND sẽ tiếp tục tăng giá nhẹ so với USD.
“Vầng hào quang đang dần trở lại trên bầu trời Việt Nam”, ông David Dapice nhận định.
Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N