Vấn nạn “sân sau” đang gây búc xúc trong bức tranh kinh tế nước nhà

Phạm Minh Hà 02/12/2019 16:58

Nhật Cường Mobile chỉ là một công ty mới khai sinh, lại không nằm trong top đầu mà nhận được nhiều hợp đồng cung cấp phần mềm cho thành phố Hà Nội thì khó mà thuyết phục được. Vậy nên dư luận đặt những câu hỏi như: Ai đã bảo kê cho Nhật Cường? Nhật Cường là sân sau của ai?

Nhật Cường trúng các dự án đầu tư ở Hà Nội có vấn đề

Chiều 29/11, HĐND TP Hà Nội tổ chức cuộc họp báo thông tin về nội dung của kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV. Tại đây, báo chí đặt ra nhiêu câu hỏi liên quan đến những vấn đề nóng của thành phố trong thời gian qua, điển hình như vụ Nhật Cường.

Tại cuộc họp báo thông tin về nội dung của kỳ họp thứ 11 của HĐND TP Hà Nội chiều nay, báo chí đặt câu hỏi về việc sáng cùng ngày Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên PGĐ Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Tiến Học và 2 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

“Động thái này có được hiểu là quy trình tổ chức đấu thầu cho Nhật Cường trúng các dự án đầu tư ở Hà Nội có vấn đề? TP Hà Nội đã xem xét lại việc này?

Với các dự án được cho là có vi phạm trong đấu thầu mà Nhật Cường cung cấp cho Hà Nội sẽ được giải quyết, xử lý thế nào?”, PV đặt câu hỏi.

Trả lời, Trưởng Ban Văn hoá – xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình cho biết, vụ án này đã được Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng đã đưa vào diện chỉ đạo, theo dõi và đang được cơ quan chức năng điều tra, mở rộng điều tra để làm rõ các vi phạm pháp luật.

Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên PGĐ Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Tiến Học và 2 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

“Các cơ quan chức năng đang thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật và chúng ta sẽ chờ kết luận các sai phạm, đồng thời, đưa ra xét xử theo đúng các quy định của pháp luật”, ông Bình nói.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, các vấn đề liên quan đến Nhật Cường đang trong quá trình điều tra, do đó, cần chờ thêm kết luận điều tra mới có thể trả lời cụ thể các vấn đề.

Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cũng đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy, TGĐ công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Nhật Cường, GĐ công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (hiện đang bị truy nã).

Hiện nay, C03 đang tập trung điều tra mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan; thu giữ vật chứng và xác minh thu hồi, kê biên triệt để tài sản cho Nhà nước.

Không phải tới khi ông chủ Nhật Cường Mobille Bùi Quang Huy bị khởi tố và và có lệnh bắt tạm giam với hành vi buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, dư luận mới bật ra câu hỏi: Ai đã bảo kê cho Nhật Cường để doanh nghiệp non trẻ này phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, qua mặt hàng loạt đại gia? Hay nói ngắn gọn: Nhật Cường là sân sau của ai?

Nhật Cường là một công ty mới thành lập được vài ba năm, số vốn không phải là doanh nghiệp xếp thứ hạng trong top nhất, nhì, ba Việt Nam về công nghệ thông tin. Một doanh nghiệp mới, lại không nằm trong top đầu mà nhận được nhiều hợp đồng quan trọng về lĩnh vực công nghệ thông tin của Thủ đô thì khó mà thuyết phục được.

Thật kỳ lạ là từ một cửa hàng sửa chữa điện thoại, Nhật Cường đã âm thầm lấn sân sang lĩnh vực công nghệ và trúng thầu (hoặc được chỉ định thầu) hàng loạt các dự án công nghệ lớn của Hà Nội: Từ cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến đến phần mềm hộ chiếu online, và đặc biệt nhất là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp. Cần nhắc lại là Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố thông minh. Và Nhật Cường là một phần quan trọng – không thể thiếu trong chiến lược này.

Không đủ tầm vóc, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ như các đại gia Viettel hay FPT mà lại được tham gia vào các dự án công nghệ của Thủ đô, trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển vĩ mô của Thủ đô, vậy nên dư luận đặt những câu hỏi như trên hoàn toàn là điều dễ hiểu.

Hẳn nhiên mọi thứ mới dừng lại ở việc suy đoán. Việc chứng minh đúng sai sẽ thuộc về cơ quan chức năng, nhưng việc nghi ngờ, đặt dấu hỏi thì hoàn toàn là quyền từ dư luận.

Vấn nạn “sân sau” đang gây búc xúc trong bức tranh kinh tế nước nhà

“Sân sau” chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng tài sản công, chính sách công, dự án công. “Sân sau” chắc chắn sẽ giết chết những cạnh tranh lành mạnh. “Sân sau” chắc chắn khiến cho kinh tế tư nhân đúng nghĩa không có cơ hội để ngoi lên.

Có tiếp xúc với giới doanh nhân và nghe họ than vãn về việc không thể cạnh tranh nổi với công ty này, công ty kia, vì nó là sân sau của ông này – ông kia mới hiểu được những tàn phá khủng khiếp mà vấn nạn “sân sau” tạo ra trong bức tranh kinh tế nước nhà.

Tuy vậy, từ câu chuyện “sân sau” có thật của bà Phan Thị Mỹ Thanh, người ta lại nhớ đến nhận xét của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc họp Chính phủ: Tôi biết có ông có tới 14-15 cái “sân sau”!

Chỉ một cái “sân sau” là đã nghiêm trọng lắm rồi. Đằng này lại có tới 14 – 15 sân sau như nhận định của Thủ tướng thì đúng là quá sức tưởng tượng. Hình thức trục lợi trên không khác gì hành vi tham nhũng nhưng lại “lách” được luật, nên từ trước tới nay vẫn chưa có bản án hình sự nào dành cho các vị lãnh đạo có doanh nghiệp “sân sau”.

Theo các luật sư, Điều 37, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 chỉ quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”, chứ chưa quy định hình thức xử lý.

Để xử lý nghiêm khắc những vị lãnh đạo đang sử dụng “sân sau” làm bình phong đục khoét ngân khố quốc gia, Nghị định 59/2019/NĐ-CP đã quy định rõ tại Điều 83:”Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.

Không chấp nhận việc nhóm lợi ích và nhóm sân sau trong nền kinh tế hiện nay

Việc ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP không chỉ thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng, mà còn tạo thêm cơ sở pháp lý, trở thành công cụ hữu hiệu để loại bỏ các doanh nghiệp “sân sau”, đem lại sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, tạo niềm tin trong nhân dân…

Như vậy, cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục được trang bị thêm công cụ để nhận diện từng hành vi tham nhũng và qua đó có các biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời. Điều đó cũng khẳng định rằng, cuộc chiến chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tags :
Đọc nhiều