8
category
437133

Vẫn lúng túng với hàng ‘sản xuất tại Việt Nam’

09/10/2020 07:58

Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định cách xác định như thế nào là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”.

Hàng nhập lậu từ Trung Quốc gắn nhãn “Made in Vietnam” bị hải quan phát hiện /// Ảnh: Ng.Nga
Hàng nhập lậu từ Trung Quốc gắn nhãn “Made in Vietnam” bị hải quan phát hiện

Sau 1 năm đưa ra dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác cho hàng hóa Việt Nam nhưng còn nhiều vướng mắc, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng cho phép xây dựng dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” và đang lấy ý kiến rộng rãi xoay quanh vấn đề này.

Nguyên vật liệu ngoại chiếm không quá 15% giá?

Bộ Công thương cho biết, qua rà soát, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Nhưng các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định cách xác định như thế nào là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam”. Bộ Công thương nhấn mạnh: Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa của Chính phủ.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử… Do vậy, việc ban hành Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ giúp giải quyết tình trạng này.

Hiện Bộ Công thương chỉ mới đưa ra dự thảo đề cương của nghị định, bao gồm các quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, đối với hàng hóa không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu có nguồn gốc Việt Nam cần đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng VAC thì mới được coi là hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, quy định trị giá của tất cả nguyên liệu không có nguồn gốc Việt Nam, không đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi mã số hàng hóa không được vượt quá 15% giá xuất xưởng của hàng hóa; Hoặc trọng lượng của tất cả nguyên liệu không có nguồn gốc không được vượt quá 15% tổng trọng lượng hàng hóa. Đây là điểm hoàn toàn mới nếu so với quy định trong dự thảo thông tư “Made in Vietnam” năm 2019 cũng do Bộ Công thương đưa ra, là để được gọi là hàng Việt Nam thì tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa phải đạt mức 30% trở lên.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Phó ban Chống buôn lậu và gian lận thương mại TP.Hà Nội, nói ngay rằng đây là quy định đưa ra cực kỳ cảm tính và không nói lên được điều gì. “Giả sử tính toán sao ra 15,01% thì thế nào? Cơ quan cấp phép sẽ không cho doanh nghiệp gọi đó là hàng “sản xuất tại Việt Nam” phải không? Vậy liệu có nảy sinh tiêu cực để con số 15,01% này thành 14,99% được không? Quy định này thiếu thực tế cuộc sống và có thể phát sinh tiêu cực”, ông Vũ Vinh Phú nêu vấn đề.

Quy định thụt lùi

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, phân tích đề xuất của Bộ Công thương không phải là một sáng kiến mới mà thực chất là sự sửa sai quy định hiện hành tại điều 10 về “Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa” và điều 15 về “Xuất xứ hàng hóa” thuộc Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Cái sai của quy định hiện hành là chỉ nêu “xuất xứ hàng hóa phải được ghi trên nhãn hàng hóa” mà không có trường hợp ngoại trừ. Trước đây trong Nghị định số 86/2006 của Chính phủ về “Nhãn hàng hóa” có quy định: “Đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hóa đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ”.

Do vậy, để giảm thiểu sự khác biệt về quy định xuất xứ hàng hóa, tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như giảm bớt khó khăn trong thực thi của doanh nghiệp và nhận biết của người tiêu dùng, Chính phủ không nhất thiết phải ban hành một nghị định riêng mà có thể sửa đổi hoặc ban hành mới nghị định về nhãn hàng hóa, trong đó có một chương riêng về xuất xứ. Hoặc trong đó khôi phục lại quy định cũ trước kia là “Trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thể hiện nguồn gốc hàng hóa theo cách khác trên nhãn hàng hóa”.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng cho rằng việc xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” là điều không cần thiết. Chỉ nên có 2 quy định thật rõ ràng hàng “made in Vietnam” và hàng “product of Vietnam” là đủ. Trong đó, hàng hóa “made in Vietnam” thể hiện là hàng do người Việt sáng tạo, làm ra và làm chủ trí tuệ của mình, là đứa con tinh thần của mình, có đăng ký bản quyền trên thế giới, bán ra nước ngoài hay trong nước đều là “made in Vietnam”.

Thứ hai, hàng sản xuất lắp ráp, gia công tại Việt Nam thì nhiều vô kể, chiếc điện thoại Samsung, chai dầu gội đầu của Unilever, chiếc xe gắn máy Honda của Nhật lắp tại nhà máy ở Việt Nam… nhưng nếu không đáp ứng hàm lượng giá trị hàng hóa Việt Nam thì không thể ghi “made in Vietnam” mà chỉ “product of Vietnam”.

“Chúng ta đã hội nhập từ lâu, vẫn đang cố gắng ký loạt các FTA khác, tại sao tiêu dùng trong nước lại phải đi lùi, không dùng “made in Vietnam” theo các nước lân cận Thái Lan, Singapore… mà cứ phải ghi sản xuất tại Việt Nam làm gì? Theo tôi được biết, các nhãn hàng quốc tế lắp ráp tại Việt Nam đa số đều ghi “made in Vietnam” và rất hiếm trường hợp muốn ghi “product of Vietnam”. Chính sự lúng túng này mà chúng ta “vơ vào” nhiều hàng của nước ngoài làm hàng Việt”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Không cần thiết

Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM (Đoàn luật sư TP.HCM), phân tích: Trong quy định về xuất xứ hàng hóa, Nghị định 43/2017 của Chính phủ đã có các cụm từ rất rõ là: sản xuất tại Việt Nam, chế tạo tại Việt Nam, xuất xứ Việt Nam, sản xuất bởi Việt Nam… Không nhất thiết phải ban hành thêm nghị định chỉ để phục vụ xuất xứ hàng hóa lưu hành nội địa. Thêm một nghị định mới, lại phải có thông tư hướng dẫn… sẽ vô cùng lãng phí và nhiều phiền hà, gây tốn kém cho doanh nghiệp. 

PV/TN

Đọc nhiều