“Vận hạn” của cựu Tổng thống Donald Trump

Bảo Trâm 14/10/2022 13:38

Mới đây, Ủy ban điều tra đặc biệt thuộc Hạ viện Mỹ đã thông qua quyết định triệu tập cựu Tổng thống Donald Trump đến đối chất liên quan vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quyết định triệu tập ông Donald Trump được thông qua với sự nhất trí 100% của 7 nghị sĩ Dân chủ và 2 nghị sĩ Cộng hòa khi bỏ phiếu hôm 13/10, theo Reuters.

Cuộc thảo luận kéo dài 2 giờ của Ủy ban điều tra vụ bạo loạn tại Đồi Capitol nhất trí yêu cầu ông Donald Trump giao nộp một số tài liệu phục vụ điều tra và trình diện đối chất với các thành viên ủy ban. Vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ có thể chịu cáo buộc hình sự nếu từ chối trình diện.

“Ông ấy phải chịu trách nhiệm, phải giải thích những hành động của mình, phải chịu trách nhiệm trước những cảnh sát đã liều mình bảo vệ nền dân chủ của chúng ta. Ông ấy phải trả lời trước hàng triệu người Mỹ mà ông ấy cố tìm cách xóa bỏ lá phiếu nhằm duy trì quyền lực”, Hạ nghị sĩ Bennie Thompson của đảng Dân chủ, Chủ nhiệm Ủy ban điều tra vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol, tuyên bố.

Hạ nghị sĩ Bennie Thompson.

Ủy ban cáo buộc ông Trump lên kế hoạch từ trước cho nỗ lực bác kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ông cũng bị cáo buộc cố ý không ngăn cản hàng ngàn người biểu tình quá khích tràn vào tòa nhà quốc hội và liên tục tố cáo về gian lận bầu cử dù chính đội ngũ cố vấn xác nhận ông đã thất cử.

“Việc triệu tập cựu Tổng thống Donald Trump đến đối chất là quyết định chấn động nhưng đây là hành động cần thiết để bảo vệ tương lai nền dân chủ Mỹ”, Hạ nghĩ sĩ Thompson nói thêm.

Luật pháp liên bang Mỹ quy định cá nhân nào không tuân thủ lệnh triệu tập của cơ quan quốc hội có khả năng chịu mức phạt tù 1-12 tháng. Trong trường hợp ông Trump làm ngơ lệnh triệu tập, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về khả năng đề nghị Bộ Tư pháp can thiệp và cơ quan này sau đó sẽ quyết định truy tố hay không, theo Reuters.

Đáp lại quyết định từ phía Ủy ban điều tra, cựu Tổng thống Donald Trump sau đó cáo buộc lệnh triệu tập nhằm “chia rẽ đất nước” và gọi ủy ban điều tra là “trò hề với cả thế giới”. Ông cho rằng ủy ban điều tra vụ bạo loạn tại Đồi Capitol cố tình chờ đến phiên họp cuối cùng mới ra quyết định triệu tập mình.

Các thành viên Uỷ ban điều tra của Hạ viện Mỹ trong buổi bỏ phiếu hôm 13/10 đã thông qua quyết định triệu tập cựu Tổng thống Donald Trump do liên quan vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021.

Theo Reuters, Ủy ban điều tra vụ bạo loạn tại Đồi Capitol trong hơn một năm qua đã phỏng vấn hơn 1.000 nhân chứng. Hơn 880 người bị bắt liên quan vụ bạo loạn, trong đó hơn 400 người đã nhận tội.

Được biết, cựu Tổng thống Trump và các cộng sự cũ đang gặp nhiều rắc rối pháp lý trong thời gian qua. Cựu cố vấn chính trị Steve Bannon dự kiến bị tòa tuyên án vào tuần tới sau khi bồi thẩm đoàn kết luận ông chống lệnh triệu tập đối chất của quốc hội.

Hồ sơ vụ bạo loạn.

Các công tố viên liên bang cũng đang điều tra cáo buộc ông Trump mang tài liệu mật rời Nhà Trắng sau khi kết thúc nhiệm kỳ và vi phạm Đạo luật Tình báo Mỹ.

Liên quan đến vụ việc này, ông Donald Trump hôm 4/10 đã yêu cầu Tòa án tối cao Mỹ can thiệp vào cuộc chiến giữa ông và Bộ Tư pháp về các tài liệu được đánh dấu là “mật” bị thu giữ từ Mar-a-Lago.

Các luật sư đại diện cho ông Trump đã đệ đơn yêu cầu khẩn cấp, trong đó nêu rõ yêu cầu các thẩm phán chặn một phần phán quyết của tòa án cấp thấp hơn về việc ngăn một trọng tài độc lập xem xét hơn 100 tài liệu được đánh dấu là “mật”.

Các tài liệu này nằm trong số 11.000 hồ sơ do các đặc vụ FBI thu giữ tại điền trang Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida của ông Trump vào ngày 8/9.

Tuy nhiên, Tòa án tối cao Mỹ hôm 13/10 đã bác bỏ yêu cầu này từ phía cựu Tổng thống Donald Trump mà không đưa ra bất cứ bình luận hay giải thích nào, theo Reuters.

Bảo Trâm (Theo Reuters)

Đọc nhiều